Các nhân viên y tế đang hướng dẫn người dân ở Guinea cách phòng tránh virus Ebola
Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) ngày 30-7 lên tiếng cảnh báo dịch bệnh nguy hiểm Ebola hoành hành tại khu vực Tây Phi đang vượt tầm kiểm soát. Theo tổ chức này, việc không thể xử lý được các ổ dịch đang gây ra khủng hoảng dịch bệnh tại các nước Tây Phi như Guinea, Liberia, Sierra Leone, Congo… sẽ khiến dịch Ebola nhanh chóng vượt biên giới châu Phi, lây lan sang các nước ở châu Âu và châu Á.
Đồng tình với đánh giá của MSF, Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Luis Sambo nhấn mạnh, dịch sốt Ebola ở các nước Tây Phi có nguy cơ lan rộng và bùng phát mạnh trên toàn thế giới. Ông kêu gọi các đối tác và các quốc gia trên toàn thế giới phải cùng hợp tác để sớm có hành động đối phó hiệu quả với căn bệnh nguy hiểm chết người này trước khi quá muộn.
Những cảnh báo đáng lo ngại được đưa ra khi dịch Ebola đang trong đợt bùng phát mạnh nhất và khiến nhiều người thiệt mạng nhất trong lịch sử kể từ khi được phát hiện năm 1976 ở CHDC Congo và được đặt theo tên dòng sông nơi phát hiện dịch bệnh. Theo số liệu của WHO, kể từ khi bùng phát từ tháng 2-2014, dịch Ebola đã khiến gần 700 người tử vong, hơn 1.200 người nhiễm bệnh.
Trước đó, virus Ebola từng nhiều lần gieo rắc sự chết chóc cho các quốc gia châu Phi, trong đó trận dịch năm 1995 ở CHDC Congo khiến 254 người tử vong/315 trường hợp nhiễm bệnh, 224 người chết/425 người mắc ở Uganda năm 2000, 128 người chết/143 người mắc ở CH Congo năm 2003 và mới đây nhất là 187 người chết/264 người mắc năm 2007 tại CHDC Congo. Không chỉ có số người chết nhiều nhất (gần 700 người) mà trận dịch hiện nay ở Tây Phi còn khiến khoảng 100 nhân viên y tế nhiễm bệnh, trong đó hơn 50% trường hợp đã tử vong.
Rất đáng lo ngại là cho đến nay y học thế giới vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay loại vaccine phòng ngừa nào với sốt Ebola, một trong những bệnh nguy hiểm nhất thế giới do tỷ lệ tử vong cao (có khi tới 90%). Đặc trưng của hội chứng sốt do virus Ebola gây ra là sốt xuất huyết. Có nhiều triệu chứng đi kèm như sốt, đau đớn, khó chịu, sau đó là nôn mửa, tiêu chảy và nôn ra máu. Virus Ebola không lan truyền trong không khí và chỉ lây nhiễm do tiếp xúc với máu và dịch thể của một số loài động vật, chủ yếu là khỉ và một loài dơi lớn thuộc họ Megachiroptera, hoặc người nhiễm bệnh qua đường máu, quan hệ tình dục…
Trước cảnh báo dịch Ebola có thể lây lan sang châu Âu và châu Á, các quốc gia và vùng lãnh thổ ở hai châu lục này đang tăng cường mạnh các biện pháp phòng ngừa như Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 30-7 đã công bố các biện pháp cách ly những trường hợp nghi nhiễm virus Ebola, đồng thời cấm tụ tập đông người ở nơi công cộng. Theo WHO, các quốc gia cần tăng cường các nỗ lực ngăn chặn dịch, thúc đẩy hợp tác giữa các khu vực biên giới, chia sẻ và cập nhật thông tin về các ca lây nhiễm… Trong khi một số hãng hàng không thế giới hủy các chuyến bay tới các vùng "ổ dịch", Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã phối hợp với giới chức y tế triển khai các biện pháp phát hiện và kiểm soát chặt chẽ những người ra vào các sân bay.