ảnh minh họa
Trà thuốc là một dạng thuốc hãm, là một hình thức chế biến thuốc khác, thân thiện hơn, dễ sử dụng cho bệnh nhân hơn là hình thức thuốc sắc, thuốc tễ, thuốc hoàn... Sau đây là một số bài thuốc tiêu biểu được chế biến dưới dạng trà:
Trà bổ tỳ:
Nhân sâm (đảng sâm), bạch linh, bạch truật, cam thảo.
Tác dụng: ích khí, kiện tỳ, dưỡng vị. Thích hợp với chứng tỳ vị khí hư, sắc mặt vàng héo, tiếng nói nhỏ yếu, tứ chi vô lực, bụng đầy chậm tiêu, ăn kém, đại tiện lỏng nát, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược hoặc trầm hoãn.
Trà tiêu độc:
Sài đất, thổ phục linh, cỏ mực, cúc tần, kim ngân hoa. Hãm với 1 lít nước sôi, lọc bỏ bã, uống cả ngày. Tác dụng: giải độc gan, làm đẹp da mặt, điều trị mụn nhọt, mụn trứng cá, các vết lở loét ngoài da.
Kim ngân hoa
Trà trị cảm, tiêu đờm:
Trần bì (vỏ quýt), cam thảo, gừng tươi. Tác dụng: khu đờm, bình suyễn: thuốc kích thích niêm mạc đường hô hấp, làm tăng dịch tiết, làm loãng đờm, dễ khạc ra. Trị ho có đờm (do cảm hàn), ho do họng viêm, phế quản viêm.
Trà trị viêm gan cấp tính: nhân trần 300g, sinh đại hoàng 60g, trà xanh 30g.
Ba vị tán vụn, mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 10 - 15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp, thông phủ, thoái hoàng; dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính có sốt.
Nhân trần mát gan, tiêu độc
Trà hạ áp: hoa hòe, mã đề, rễ nhàu, táo nhân, cỏ xước, sinh địa, ngưu tất.
Tác dụng: hạ huyết áp, thay đổi trị số huyết áp khi dùng dài ngày. Trà hạ áp ổn định được huyết áp ở giai đoạn 1 và 2 của bệnh tăng huyết áp. Sau khi ngừng dùng không thấy có hiện tượng nẩy ngược của huyết áp. Thuốc có khả năng giữ huyết áp ổn định trên những trường hợp tăng huyết áp nhẹ và trung bình.
Hoa hòe
Trà hạ mỡ máu:
Ngưu tất thái lát mỏng 12g, hằng ngày có thể sắc hoặc hãm bằng phích nước nóng, uống thay nước trong ngày. Tác dụng của ngưu tất làm giảm cholesterol và triglycerit đã được nhiều nhà khoa học trong nước nghiên cứu và kết luận, đã được áp dụng vào điều trị ở Việt Nam trong vài chục năm nay.
Ngưu tất
Bài thuốc này rất đơn giản, sử dụng dưới dạng chè thuốc nên rất hay có thể dùng bài thuốc này trong một thời gian dài.
Hoặc vỏ đậu xanh và lá sen tươi, mỗi vị lượng bằng nhau khoảng 10 - 20g. Cả hai vị thuốc này hợp thang sắc uống hằng ngày thay nước chè. Hoặc cũng có thể hãm thuốc bằng phích nước sôi. Có thể chỉ cần dùng một mình vỏ đậu xanh cũng được
Khổ qua (mướp đắng)
Trà hạ đường huyết: trà khổ qua.
Trái khổ qua tươi, để cả hạt, thái mỏng, phơi khô, dùng trái già (không dùng trái chín). Hãm nước sôi dùng như nước trà.
Các chất trong khổ qua có tác dụng sinh học giống như insulin và kích thích tuyến tụy tăng cường tiết insulin theo nhu cầu của cơ thể, một số thành phần trong khổ qua giúp cơ thể ức chế sự chuyển hóa và hấp thu đường, ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và ổn định đường huyết ở người đái tháo đường.
Trà giảm cân: trà bí đao.
Cách làm: cho nguyên quả bí còn vỏ và ruột lẫn hạt vào nồi, đổ đường nâu và long nhãn vào, đảo đều, ướp trong 30 phút. Đun bí trên bếp lửa nhỏ. Khi sôi cho lửa nhỏ, hầm khoảng 2 tiếng, tới khi bí nát nhừ, nước bí nâu và sánh. Múc vào rây mắt nhỏ và ép lọc nước cốt, bỏ bã.
Bí đao
Cất trà vào bình thủy tinh đã đun tiệt trùng, đậy kín để ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Thành phần chủ yếu của bí là nước, nhưng khi được hấp thụ vào cơ thể có tác dụng hạn chế sự giữ nước.
Bí xanh giúp cơ thể thải được chất độc, mỡ và cả các viêm mô tế bào ra ngoài. Vì thế bí xanh không những giúp giảm cân hiệu quả mà còn có tác dụng làm đẹp da.
Ngoài ra, trà xanh cũng là một loại thức uống phổ biến hằng ngày giúp thanh nhiệt cơ thể, ngoài ra nó còn giúp thanh lọc các chất độc hại trong cơ thể và giúp giảm cân hiệu quả. Loại đồ uống này có chứa nhiều chất chống oxy hóa, vì thế nó rất tốt cho hệ tiêu hóa, làm giảm căng thẳng, mệt mỏi và tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể, từ đó làm hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Trà chữa mất ngủ: trà lá tre:
Lá tre tươi 30g, đăng tâm thảo 5g. Hai thứ cho vào bình kín, hãm với nước sôi, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: thanh tâm giáng hỏa, trừ phiền, lợi niệu, an thần, thường dùng cho những người bị mất ngủ do mắc các bệnh có sốt cao khiến cho tâm âm bất túc, môi khô miệng khát, tâm thần bất định, mê sảng bồn chồn không yên, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ...
Ngoài ra, có tác dụng an thần, trị mất ngủ có thể dùng trà tâm sen, trà lá vông, trà lạc tiên...
Trà điều trị thấp khớp: lá lốt, thiên niên kiện, cỏ xước, hà thủ ô đỏ, sinh địa, sài đất, quế chi, thổ phục linh. Công dụng: điều trị các chứng đau nhức xương khớp, đau lưng, đau gối. Mỗi lần dùng 1 gói, hãm với 200ml nước sôi trong 15 phút. Bỏ bã, uống nước. Mỗi ngày dùng 20 - 30g.
Trà nhuận gan: nhân trần, trâm bầu.
Theo sách thuốc cổ, nhân trần vị hơi đắng, tính hơi hàn; vào được bốn đường kinh tỳ, vị, can và đởm; có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật thoái hoàng, được dùng để chữa các chứng hoàng đản, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp.
Theo y học hiện đại, nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn, giải nhiệt, giảm đau và chống viêm. Có 30 chất trong dịch chiết Metanol từ lá và hạt trâm bầu có cấu trúc flavovoid như quadrangularol B, kamatakein, trihydroxy-dimetoxyflavon, methyl quadrangulate A, nor quadrangularic acid, vitexin, acid betulinic… có tác dụng chống lại các tác nhân gây tổn thương cho các tế bào gan, nhờ đó lá trâm bầu có tác dụng bảo vệ tế bào gan.
Dùng dạng bột hoặc nấu nước uống như nước trà. Ngày dùng 20 - 30g. Công dụng nhuận gan, điều trị các chứng ăn uống không ngon miệng, mụn nhọt, táo bón.
Tất cả các loại kể trên đều là thuốc có tác dụng cải thiện và điều trị bệnh. Do đó, nếu dùng một thời gian mà hiệu quả chưa như ý thì cần có sự hướng dẫn của người có chuyên môn. Một số loại trà tươi đơn giản có thể tự chế biến dùng tại nhà, một số loại trà khác được chế biến sẵn có thể tìm mua tại các nhà thuốc.