Nhà cao tầng đang được nhiều người lựa chọn trong cuộc sống hiện đại.
Thay đổi áp suất không đáng kể
PGS.TS Hoàng Xuân Cơ, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thực tế, sự thay đổi về nhiệt độ, áp suất của các nhà nhiều tầng là không đáng kể, thông thường về áp suất thì cứ cao thêm 8m thì sẽ giảm 1mb (millibars - đơn vị đo khí áp) và khi cao thêm 100m thì nhiệt độ sẽ giảm khoảng 0,6 - 0,7oC. Nếu giảm một chút như vậy thì chưa thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Thậm chí theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Bern, Thụy Sĩ, nếu bạn càng sống ở trên tầng cao tuổi thọ của bạn sẽ càng tăng. Các chuyên gia đã phát hiện những người ở tầng trệt có nguy cơ tử vong sớm hơn 22% so với những người ở từ tầng 8 trở lên. Nguy cơ tử vong do mắc bệnh phổi cũng giảm 40% và tỷ lệ tử vong do bệnh tim cũng giảm 35%. Kết quả này là từ nghiên cứu với hơn 1,5 triệu người sống ở các tòa nhà nhiều tầng.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tỷ lệ tử vong bởi theo họ nhà ở được xem là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sức khoẻ. Theo cảnh báo của các nhà khoa học, ô nhiễm không khí và tiếng ồn giao thông ở mặt đất là nguyên nhân chính dẫn tới sự chênh lệch này.
Điều kiện cơ sở hạ tầng
Tuy nhiên, các chuyên gia Thụy Sĩ cũng nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu nói trên là đối với những người dân sống ở một trong những nước giàu nhất thế giới, chứ không áp dụng cho các khu nhà nhiều tầng với các điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém ở các vùng nghèo khó.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, theo quan điểm riêng của ông thì đối với các tòa nhà nhiều tầng, thì từ tầng 10 trở đi không khí sẽ bị loãng dần. Thông thường, đối với các nhà nhiều tầng người ta sẽ sử dụng hệ thống điều hòa không khí để điều chỉnh lại không khí. Quan trọng là liệu các chủ đầu tư của các nhà nhiều tầng có quan tâm đến vấn đề này không, hoặc nếu quan tâm thì liệu có thực hiện đúng kỹ thuật hay không.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, người dân sống trong các nhà nhiều tầng (từ tầng 10 trở đi) ở Việt Nam phải đối mặt với các nguy cơ về cứu hỏa, cháy nổ, hệ thống thang máy... Thực tế đã cho thấy, khi các tòa nhà nhiều tầng xảy ra các sự cố về cháy nổ hay thang máy có vấn đề... việc xử lý sự cố rất là kém.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, việc phát triển nhà ở từ chiều ngang sang chiều đứng tuy giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân nhưng cũng cần phải có những nghiên cứu một cách sâu rộng về khả năng ảnh hưởng của nhà nhiều tầng đến sức khoẻ và tâm lý của người dân sống trong những tòa nhà nhiều tầng, nhất là với người nhiều tuổi.
"Những cụ già sống trong những "chiếc lồng" cao chót vót chắc chắn sẽ có tâm lý ngại xuống mặt đất, ngại xuống vườn hoa, công viên để tập thể dục và giao tiếp với xã hội bên ngoài. Nguy cơ lão hóa nhanh đối với người cao tuổi sống trong các căn hộ cao chót vót của các nhà nhiều tầng là có thể nhìn thấy. Tất cả những vấn đề này cần phải có những nghiên cứu cụ thể", PGS.TS Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Tất nhiên đối với những tòa nhà cao chọc trời dẫn đến sự thay đổi lớn về nhiệt độ và áp suất thì nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ là có thể, nhất là đối với những đối tượng nhạy cảm như người bị các bệnh về tim, mạch, não... Tuy nhiên, hiện nay những nghiên cứu liên quan đến sự thay đổi về môi trường của nhà nhiều tầng đối với sức khoẻ của con người là chưa nhiều. Cần phải có những nghiên cứu cụ thể hơn, ví dụ như cách mặt đất bao nhiêu mét thì sẽ gây ra những tác động xấu đến sức khoẻ, sự tác động này diễn ra như thế nào và cách phòng tránh ra sao...
PGS.TS Hoàng Xuân Cơ