ảnh minh họa
Sai lầm 1: Pha trộn sản phẩm
Nhiều người thích tự mình sáng tạo chất tẩy rửa riêng nhưng sự tùy tiện có thể khiến bạn phải nhận hậu quả nặng nề.
Pha trộn các chất tẩy rửa với nhau mà không có một chút hiểu biết cơ bản nào về kiến thức hóa học thực sự có thể gây ra những hậu quả chết người. Dưới đây là một số “cặp đôi” không được trộn lẫn với nhau:
- Giấm ăn và thuốc tẩy
- Amoniac và thuốc tẩy
- Thuốc tẩy và thuốc khử trùng chứa thành phần Amoniac tứ cấp (Quaternary Ammonia)
Các sản phẩm có tính axit như giấm ăn không bao giờ được trộn với các sản phẩm tính kiềm, ví dụ như thuốc tẩy. Thậm chí, pha trộn thuốc tẩy của hai nhãn hiệu khác nhau cũng rất nguy hiểm.
Sai lầm 2: Sản phẩm tẩy rửa tự chế luôn luôn tốt hơn
Hiệu quả của chất tẩy rửa cần được kiểm chứng thực tế chứ không chỉ dựa vào lòng tin hay sự yêu thích cá nhân.
Bây giờ, để rõ ràng, chúng ta sẽ không “thiên vị” cho các sản phẩm tẩy rửa có thành phần tự nhiên hoặc tự chế tại nhà mà cũng không vứt tất cả các sản phẩm tẩy rửa công nghiệp vào sọt rác. Vấn đề là các chất tẩy rửa tự chế có thể không có hiệu quả tốt nhất và cũng có thể độc hại nhất. Nghiêm trọng hơn, nhiều người vẫn máy móc nghĩ rằng đồ tự làm luôn an toàn còn đồ mua sẵn thì không như vậy.
Giải pháp tốt nhất là bạn hãy tự mình kiểm chứng chúng bằng cách thử dùng các sản phẩm và xem kết quả của chúng ra sao. Và hãy nhớ rằng, nếu một công thức tẩy rửa nào đó được ca ngợi là rất tốt thì đừng vội tin là đúng, bởi vì đấy mới chỉ là “khả năng” mà thôi.
Sai lầm 3: Thuốc tẩy là sản phẩm duy nhất bạn thực sự cần đến
Đừng huyễn hoặc bản thân rằng bạn thích chất tẩy rửa nào thì nó sẽ là thứ đa năng và hoàn hảo nhất.
Có rất nhiều chất tẩy rửa đa năng trên thị trường sẽ đem lại kết quả tốt khi sử dụng trên bề mặt bếp cũng như sàn nhà. Nhưng điều này không có nghĩa thuốc tẩy nên được dùng để làm sạch bụi bẩn hoặc nên dùng giấm ăn để lau sàn gỗ. Thực tế, không tồn tại một sản phẩm có thể làm được tất cả mọi việc như ý muốn của bạn.
Sai lầm 4: Sử dụng càng nhiều sản phẩm thì kết quả càng tốt hơn
Tập thói quen đọc kỹ và làm theo đúng chỉ dẫn của từng sản phẩm là giải pháp tốt nhất để bạn tránh xa những hậu quả xấu.
Nhiều không phải lúc nào cũng đi kèm với tốt hơn. Ví dụ, dùng quá nhiều xà phòng để làm sạch các bề mặt bếp, phòng tắm thì cặn xà phòng sẽ tích tụ. Sử dụng quá nhiều nước rửa bát là một trong những lý do khiến chiếc máy rửa bát "đòi" được sửa chữa. Thêm vào quá nhiều chất làm sạch thảm trải sàn chỉ khiến nó bám bẩn nhanh chóng hơn… Đó là lý do giải thích cho sự tồn tại của hướng dẫn sử dụng. Luôn đọc thật kỹ và làm theo lời chỉ dẫn trên từng sản phẩm.
Sai lầm 5: Số lượng chất tẩy rửa bạn sử dụng không hề quan trọng
Ví dụ, trong nhiều thập kỷ qua, máy giặt và các loại bột giặt, nước giặt đã có nhiều cải tiến. Tuy nhiên, vì sao chúng ta vẫn sử dụng một lượng xà phòng nhất định? Điều này có vẻ không có gì to tát nhưng bằng cách sử dụng liều lượng xà phòng thích hợp sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của máy móc và quần áo của bạn.
Sai lầm 6: Đổ trực tiếp chất tẩy rửa
Sai lầm này phổ biến ở các bà nội trợ khi rửa bát. Nhiều người nghĩ rằng đổ trực tiếp dung dịch nước rửa chén đậm đặc lên chén đĩa thì hiệu quả tẩy rửa sẽ cao hơn. Đúng là như vậy, song các nhà nghiên cứu khuyến cáo không nên đổ nước tẩy rửa trực tiếp lên dụng cụ đựng thức ăn bởi làm như vậy vừa lãng phí mà khả năng sau khi tráng lại bằng nước sạch, lượng hóa chất còn sót lại trên bề mặt chén đĩa nhiều. Khi được tái sử dụng để đựng đồ ăn, các hóa chất còn sót lại trong đó sẽ thôi ra đồ ăn, đi vào cơ thể người, về lâu dài sẽ gây bệnh.
Vì thế lời khuyên cho mọi người khi dùng nước rửa bát là hãy pha loãng nước rửa bát với nước sạch theo tỉ lệ 2/8, kết hợp với miếng rửa tạo bọt là cách cân bằng cả hai mục tiêu vệ sinh và tiết kiệm. Nên chọn mua nước rửa chén loại đậm đặc của các nhãn hiệu uy tín trên thị trường. Những sản phẩm này có thể đắt hơn loại trôi nổi một chút nhưng cho khả năng tạo bọt nhiều hơn, rửa được nhiều chén đĩa hơn. Ngoài ra, chén đĩa sau khi rửa còn lưu lại hương thơm tự nhiên dễ chịu như chanh hay trà xanh mà không độc hại cho da tay.
Sai lầm 7: Quá tin tưởng vào nhà sản xuất
Nhiều sản phẩm tẩy rửa được quảng cáo là “đa năng”, có thể sử dụng để làm vệ sinh cho nhiều vật dụng trong nhà. Một số sản phẩm “có tác dụng diệt khuẩn, sát trùng, đuổi côn trùng đến... 99,9%”; hoặc vừa diệt khuẩn vừa tẩy vết bẩn, khử mùi (nhà bếp, phòng tắm, bồn tắm, bồn cầu, sàn nhà) và tẩy trắng cả quần áo... Mặc dù có tác dụng ghê gớm như vậy nhưng hầu như sản phẩm nào cũng ghi “không hại da tay”. Thậm chí có sản phẩm được giới thiệu là sử dụng chất hoạt động bề mặt được chiết xuất từ thiên nhiên cho nên hoàn toàn không gây hại gì cho người sử dụng; không cần lau rửa lại bằng nước sạch...
Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó trưởng khoa Công nghệ Hóa học Đại học Bách khoa TP HCM cho biết, khi sử dụng, các hóa chất trong sản phẩm tẩy rửa vẫn còn lưu lại trên bề mặt đồ dùng, nếu không được rửa sạch sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Đối với chất hoạt động bề mặt (thành phần chính trong sản phẩm tẩy rửa) xu hướng thế giới là sử dụng những chất phân hủy sinh học. Nhưng do chúng có giá rất đắt nên các nhà sản xuất trong nước ít sử dụng mà thường dùng hóa chất độc hại, khi thải ra môi trường sẽ phá hủy hệ sinh vật. Người sử dụng loại sản phẩm này thường khô da do bị thẩm thấu, gây đột biến da, da bị mỏng, nếu nặng có thể bị ung thư do tế bào da bị phá hủy. Khi tiếp xúc với ánh sáng, quá trình phá hủy da sẽ diễn ra nhanh hơn.