Viêm phế quản cấp tính thường do một số nguyên nhân như nhiễm khuẩn gây viêm mũi, họng, khí quản, viêm hạch hạnh nhân, các xoang hàm mặt, dẫn đến viêm phế quản cấp, hoặc do bụi, khí độc gây ra.
Viêm phế quản cấp có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng ở tuổi trẻ nhiều hơn. Triệu chứng thường gặp là sốt vừa, kéo dài 3-4 ngày, ho có ít đàm, khó thở nhẹ, ít biến chứng, bệnh mau khỏi. Có thể xử trí bằng cách nghỉ ngơi, xoa ấm vùng ngực, xông mũi bằng nước xông nấu với lá tía tô, lá chanh, lá sả, ngải cứu…
Nếu ho ra đàm loãng, nhức đầu, nghẹt mũi, ngứa cổ, tiếng nói nặng, không ra mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, thì bệnh thuộc thể phong hàn, nên dùng bài thuốc Nam như sau:
Lá rau hẹ 12 g, lá tía tô 12 g, lá xương sông 12 g, kinh giới 12 g, gừng tươi 8 g. Tất cả rửa sạch, nấu với 500 ml nước, sắc còn 200 ml.
Người lớn chia 2 lần, uống ấm, sau bữa ăn. Trẻ em tùy tuổi, chia 3-4 lần cho uống, sau bữa ăn.
Một số món ăn thức uống nên dùng:
- Dùng hoa đu đủ đực phơi khô 20 g, hấp với đường phèn 50 g, ăn lúc còn ấm.
Hoa đu đủ đực tốt cho bệnh nhân viêm phế quản cấp tính.
- Dùng hoa khế tươi 30g, gừng (sao) 10 g, nấu với 200ml nước sôi 5 phút, để uống lúc còn ấm.
- Khế xắt miếng nhỏ 50g, nước cốt chanh 1,5 muỗng cà phê, đường phèn 20g, nước cốt gừng 1 muỗng cà phê. Hòa với 200ml nước sôi, ngâm khoảng 5 phút, dùng ăn sau bữa cơm.
- Cải xoong 100-200g, lá tía tô 50g, gừng 2–3 lát. Nấu với 3 chén nước, sắc cô lại còn 1 chén, chia làm 3 lần, mỗi lần uống cách nhau 3 giờ, uống lúc còn nóng.
- Cháo gừng hành: Hành trắng 7 cây, gừng tươi 12 g, gạo nếp 60 g, giấm ăn 1 g, muối 3 g. Gừng gọt bỏ vỏ ngoài, dùng nước rửa sạch, xắt sợi nhỏ. Hành trắng rửa sạch xắt vụn. Gạo nếp đãi sạch cùng với gừng cho vào nồi, đổ nước vừa lượng, nấu trên lửa nhỏ thành cháo rồi cho hành vào nấu sôi, nêm muối, lát sau cho giấm vào là được.
- Tôm xào hẹ: Tôm sú hoặc tôm càng xanh 150 g, rau hẹ 100 g. Xào chín tôm với rau hẹ, dùng ăn trong bữa cơm (có thể xào rau hẹ hoặc bông hẹ với thịt nạc heo hay thịt bò).
- Cháo tôm sú, rau hẹ (hoặc hoa hẹ): Tôm sú 100 g, rau hẹ 50 g, hành tím 5 củ, hạt tiêu sọ 10 g, gạo tẻ 50 g, gia vị các loại.
Tôm làm sạch, ướp gia vị. Rau hẹ và hành rửa sạch, xắt nhỏ. Nấu gạo tẻ thành cháo. Khi cháo chín, cho tôm vào, đảo đều rồi cho hẹ, hành vào, quậy đều và nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.
Nếu ho khó khạc đàm, miệng khô, họng đau, sốt nhẹ, rêu lưỡi vàng mỏng, thì bệnh thuộc thể phong nhiệt, nên dùng bài thuốc Nam như sau:
Lá dâu tằm 12 g, rau má 12 g, bạc hà 10 g, hoa cúc 10 g, lá rau hẹ 10 g, lá chanh 8 g. Tất cả rửa sạch, nấu với 500 ml nước, sắc còn 200 ml. Người lớn chia 2 lần, uống ấm, sau bữa ăn. Trẻ em tùy tuổi, chia 3-4 lần cho uống, sau bữa ăn.
Một số món ăn thức uống nên dùng:
- Quả sung 30g, đường phèn 50g. Nấu với 200ml nước, sắc còn 100ml. Dùng uống ấm, sau bữa ăn.
Có thể dùng sung tươi 200g, gọt vỏ, xắt lát mỏng, sắc kỹ lấy nước, cho thêm đường phèn 100 g, rồi cô nhỏ lửa thành dạng cao, dùng ngậm hàng ngày.
- Sung chín tươi 50-100 g, gọt bỏ vỏ, đem nấu với gạo 50-100 g thành cháo, chia ăn 2 lần trong ngày. Có thể cho thêm ít nho khô hoặc đường phèn cho dễ ăn.
- Lá cây cải cúc (tần ô) 50 g, rửa sạch, xắt nhỏ, thêm ít đường hay mật ong, hấp trong nồi cho ra nước, gạn lấy nước uống.
- Rau cải cúc 100 g, nấu canh với phổi heo 100 g. Mỗi ngày ăn 1 tô vào buổi sáng.
- Rau cải cúc tươi, lượng vừa đủ cho vào tô lớn, đổ cháo đang sôi lên trên để 5-10 phút cho bớt nóng thì trộn rau lên để ăn.
- Mướp tươi 500 g, khế 200 g, đường trắng lượng vừa đủ. Mướp gọt vỏ, khế rửa sạch, xắt vụn, ép lấy nước, hòa đường trắng, chia uống vài lần trong ngày.
- Mướp tươi 500 g, củ cải 200 g, đường trắng lượng vừa đủ. Mướp và củ cải gọt vỏ, xắt vụn, ép lấy nước, hòa đường trắng, dùng làm nước giải khát trong ngày.
- Mướp tươi 500 g, nước dừa 500 ml. Mướp gọt vỏ, rửa sạch, xắt miếng, ép lấy nước, hòa với nước dừa, dùng làm nước giải khát trong ngày.
- Mướp tươi 100 g, sữa bò tươi 500 ml. Mướp gọt vỏ rửa sạch, xắt vụn rồi ép lấy nước, hòa với sữa tươi, chia uống vài lần trong ngày.
Lưu ý, những người tỳ vị hư yếu, hay đau bụng, đại tiện phân lỏng hoặc nát thì không nên dùng các thức uống trên.
Mướp có thể kết hợp với nhiều thực phẩm thành các món ăn tốt cho đường hô hấp.
- Thịt heo xào rau cần, giá đậu xanh.
Thịt heo nạc 50g, rau cần 100 g, giá 50g, gừng 5g, dầu ăn, nước tương (xì dầu) 10 g bột năng 20 g, trứng gà 1 quả.
Thịt nạc heo rửa sạch, cắt miếng; rau cần rửa sạch, cắt khúc; giá rửa sạch, bỏ rễ; gừng cắt lát; hành cắt khúc. Cho thịt nạc, trứng gà, bột năng, muối vào tô, đổ ít nước vào trộn đều. Để nồi nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào khử cho thơm, rồi đổ tô thịt heo đã trộn vào xào sơ, sau đó bỏ rau cần, giá vào xào chín là được. Mỗi ngày ăn hai lần.
- Củ cải trắng xào giấm.
Củ cải trắng 100 g, giấm 5 g, đường phèn 15 g, gừng 3 g, hành 10 g, muối một ít, dầu ăn lượng vừa đủ.
Củ cải trắng rửa sạch, cắt miếng. Đun chảo nóng, cho dầu ăn vào, đợi dầu nóng thì bỏ gừng, hành vào khử cho thơm, rồi cho tất cả nguyên liệu vào trộn đều, xào chín là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.
- Củ cải trắng hầm mật ong:
Củ cải trắng một củ lớn nặng khoảng 500 g, mật ong 60 g.
Củ cải gọt vỏ, rửa sạch, xắt thành từng miếng nhỏ. Thố sành đem rửa sạch, cho miếng củ cải vào, đổ mật ong và 50 ml nước, đậy nắp thố lại đem chưng cách thủy trên lửa nhỏ, khoảng 1 giờ là dùng được. Ăn mỗi ngày, hoặc 2-3 ngày ăn 1 lần.
- Nước hạnh nhân, mạch môn đông (lan tiên):
Hạnh nhân 6g, mạch môn đông 10g.
Hạnh nhân bỏ đầu nhọn và tạp chất, cho vào nước sôi nấu qua, vớt ra ngâm vào nước lạnh bỏ vỏ. Mạch môn đông bỏ tạp chất, rửa sạch bỏ vào nồi với hạnh nhân và nước vừa lượng, dùng lửa lớn nấu sôi rồi đổi dùng lửa nhỏ nấu 15-20 phút, lọc bỏ xác lấy nước. Uống nước thay trà thường xuyên.
Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM
VnExpress