Tăng huyết áp làm tăng mức độ nặng của đái tháo đường và ngược lại. Ảnh: N.Phương.
Biến chứng thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân đái tháo đường là tim mạch. Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Nguy cơ bị suy tim cũng cao gấp 2 lần so với người bình thường.
Phó giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, đái tháo đường rất phổ biến ở những bệnh nhân tăng huyết áp. Hơn 35% bệnh nhân tăng huyết áp có đái tháo đường. Khi 2 bệnh này xảy ra cùng lúc thì bệnh nhân có nguy cơ cao mắc biến chứng tim mạch và thận.
Bên cạnh đó, 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Vì thế, kiểm soát huyết áp tốt là vấn đề mấu chốt trong bảo vệ tim mạch và thận ở bệnh nhân đái tháo đường.
Đái tháo đường là bệnh mạn tính, đặc trưng bởi đường huyết tăng, kèm theo rối loạn chuyển hóa các chất đạm, đường, mỡ, chất khoáng. Bệnh gồm 2 loại chính là đái tháo đường tuýp 1và tuýp 2.
Đối với bệnh đái tháo đường tuýp 1- do di truyền, người bệnh thường có các biểu hiện như: khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều; ăn khỏe nhưng sút cân nhanh trong thời gian ngắn; các triệu chứng lâm sàng rầm rộ, từ mức trung bình đến mức nặng. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê do nhiễm toan máu.
Người bị đái tháo đường tuýp 2 nhiều khi không có các triệu chứng như tuýp 1. Nhiều người chỉ phát hiện khi có các biến chứng như: đục thủy tinh thể, thần kinh ngoại vi, thậm chí là biến chứng suy thận, nhồi máu cơ tim hoặc hôn mê...