Có nhiều bệnh di truyền nguy hiểm sẽ trở nên không nguy hiểm nếu chúng ta biết cách phòng ngừa sớm, đó là bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp…
Vì vậy, nếu trong gia đình có người bị một trong các bệnh nói trên, bạn nên có biện pháp phòng ngừa càng sớm càng tốt.
Bệnh tim
Nếu cha hay mẹ bạn có bệnh tim thì nguy cơ bạn bị bệnh là khó tránh khỏi. Kèm theo nếu bạn hút thuốc hoặc uống rượu, nguy cơ của bệnh tim mạch càng cao hơn. Vì thế, bạn có thể bắt đầu giữ mức cholesterol ổn định sau 30 tuổi; tránh béo phì, bỏ hút thuốc để phòng bệnh xơ vữa mạch máu; tập thể dục đều đặn, nhất là người ở độ tuổi trung niên trở lên, sẽ giúp bạn có độ bền và sự dẻo dai, làm giảm huyết áp và giảm cholesterol đem lại cho bạn một trái tim khỏe mạnh; giảm ăn các loại thức ăn chứa nhiều chất béo, mỡ động vật vì chúng gây béo phì và hậu quả dẫn đến bệnh tim.
Bạn cần ăn nhiều chất xơ có trong rau củ quả sẽ giúp bạn giảm lượng mỡ trong cơ thể, duy trì sức khỏe. Tránh stress vì căng thẳng dồn nén làm cho người mắc bệnh tăng huyết áp hay tim mạch dễ bị nhồi máu cơ tim. Vì vậy, bạn cần cân bằng cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình, luôn lạc quan vui vẻ, suy nghĩ theo hướng tích cực trước mọi vấn đề xấu...
Ăn nhiều rau củ, trái cây sẽ tốt cho bệnh tim mạch, tiểu đường và giảm stress. Ảnh: PHI NGUYỄN
Cao huyết áp
Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh tăng huyết áp có thể có yếu tố di truyền. Trong gia đình nếu ông, bà, cha, mẹ bị cao huyết áp thì con cái có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Cho nên những người mà tiền sử gia đình có người thân bị cao huyết áp cần phải cố gắng loại bỏ các yếu tố nguy cơ để phòng tránh bệnh.
Theo đó, thực hiện các biện pháp phòng bệnh sớm gồm: ăn giảm muối để ngăn ngừa và kiểm soát huyết áp; tăng lượng kali giúp hạ huyết áp, những thực phẩm chứa nhiều kali là lạc, đậu, các loại rau như rau bina, cải bắp, chuối chín, đu đủ và chà là. Nên ăn nhiều rau và trái cây, đồng thời hạn chế thức ăn chế biến sẵn, chứa nhiều mỡ; chống thừa cân; năng tập thể dục, tập thở bụng, thiền hoặc yoga để giảm stress để duy trì mức huyết áp ổn định; hạn chế rượu bia...
Đái tháo đường
Là một rối loạn di truyền, vì vậy nếu cả cha và mẹ mắc bệnh đái tháo đường thì con cái có nhiều nguy cơ mắc bệnh. Còn trường hợp chỉ cha hoặc mẹ mắc bệnh thì sẽ làm tăng nguy cơ ở các con. Ngoài ra, chế độ ăn uống, lối sống, tình trạng thừa cân béo phì cũng là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường.
Với những người có tiền sử gia đình bị bệnh đái tháo đường thì nên bắt đầu thực hiện các thay đổi cần thiết trong lối sống của mình như ăn giảm lượng đường, tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống; duy trì chế độ tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày; giảm hút thuốc, hạn chế uống rượu... Ăn nhiều rau xanh là cách phòng tránh bệnh đái tháo đường, giúp giảm cân hữu hiệu và giữ lượng đường trong máu ổn định. Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt vì sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, đột quỵ, tăng huyết áp. Một số nghiên cứu cho thấy uống cà phê có thể ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.
Bệnh xương khớp
Bệnh viêm khớp dạng thấp có tính chất di truyền, những người có mẹ bị viêm khớp thì sẽ có nguy cơ bị bệnh này cao hơn 50% so với người bình thường. Liên kết di truyền bệnh này có thể được truyền từ cha, mẹ cho con. Vì vậy, để ngăn ngừa các bệnh về khớp, bạn nên bổ sung các khoáng chất trong chế độ ăn uống như canxi và phốt pho. Các bài tập đi bộ, chạy sẽ giữ cho đầu gối của bạn luôn trong tình trạng tốt. Bạn cũng cần duy trì tư thế đúng để bảo vệ cột sống tránh các tổn thương do sai lệch tư thế.
Trường hợp mẹ của bạn đã được chẩn đoán bị loãng xương, hoặc đã từng bị gãy xương... thì bạn cũng cần chú ý đến sức khỏe của xương. Bởi cấu trúc xương bị ảnh hưởng rất nhiều từ sự di truyền và có tính tương quan đáng kể về kích thước, độ dày, mật độ xương giữa mẹ và con cái. Tuy nhiên, việc chăm sóc cho xương chắc khỏe lại phụ thuộc vào bạn, vì độ chắc khỏe của xương còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố như môi trường, thói quen sống, bệnh tật...
Stress
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đã tìm ra bằng chứng chắc chắn cho thấy biến thể gien có thể là nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở người. Do đó nếu người thân trong gia đình có tiền sử bệnh trầm cảm, hưng cảm, rối loạn tâm thần... thì bạn phải chú ý xem trẻ nhỏ có tình trạng lo lắng, giảm sự tập trung, chán ăn... hay không. Đồng thời bạn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh stress như sau: Duy trì nếp sống ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày; siêng năng nói chuyện với những người xung quanh; tập thể dục đều có thể giảm căng thẳng vì làm giảm mức cortisol, chất được sản sinh từ tuyến thượng thận trong thời gian căng thẳng, nó có thể làm tăng huyết áp, tăng mức đường huyết và giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, gây tổn thương nhiều cơ quan. Hay tập thiền sẽ làm thanh lọc tâm hồn; cười nhiều vì tiếng cười có thể kích thích giải phóng các endorphin, có tác dụng giảm đau rất hiệu quả; massage vừa giúp bạn thư giãn và giảm căng thẳng cơ bắp, vừa ảnh hưởng tích cực đến nồng độ hormon trong cơ thể.
Ngoài ra, bệnh ung thư vú ở phụ nữ, hói đầu ở đàn ông cũng có tính chất di truyền mà bạn cần phải phòng tránh từ khi còn trẻ.
ThS NGUYỄN HOÀNG LAN (Theo SK&ĐS)
NGUYÊN MẪN & Báo Pháp Luật
|