Sau một lần nhuộn tóc, da đầu chị Thúy đột nhiên xót và bỏng rát. Đi khám chị mới biết da của mình không thích ứng được với thuốc nhuộm đó.
7 năm qua chị Ngô Thị Thúy, 31 tuổi ở đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) chưa lúc nào để tóc màu đen. Thấy mình trẻ trung hiện đại hơn hẳn với mái tóc nhuộm nên cứ 6 tháng, chị lại tìm đến cơ sở chăm sóc tóc để đại tu một góc con người.
Một thời gian rộ lên mốt tóc đỏ, chị Thúy quyết định thử màu mới. Thuốc vừa ngấm vào ít phút, chị có cảm giác bốc hỏa trên đầu, da rát như bị bỏng, nước mắt túa ra liên tiếp. Chịu không nổi, chị yêu cầu nhân viên gội đầu ngay.
“Chưa bao giờ bị dị ứng thuốc nhuộm nên lần ấy mình khó chịu và nói nặng lời với nhân viên cửa hàng vì cho rằng thuốc kém chất lượng”, chị Thúy chia sẻ. Yêu cầu nhân viên đưa mẫu thuốc, chị tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu nhờ giải đáp. Bác sĩ kết luận, chị bị dị ứng thể nhẹ với thuốc nhuộm đỏ.
Thuốc nhuộm chứa nhiều thành phần, trong đó Para Phenylene Diamine (PPD) là chất dễ gây dị ứng nhất. Bác sĩ cho biết, chị Thúy là bị dị ứng với thuốc tạo màu. Nhiều bệnh nhân còn bị đỏ rộp, bong vảy chứ không chỉ bỏng rát ở thể nhẹ như chị.
Anh Võ Tuấn Nam mới ngoài 50 tuổi nhưng tóc đã bạc trắng. Chuẩn bị cho đám cưới con gái, anh quyết định mua thuốc về nhuộm lại mái tóc bạch kim. Sau khi sử dụng hai hộp thuốc màu và thuốc pha (thuốc trợ) lên tóc, khoảng 6 tiếng sau anh thấy da đầu xuất hiện mụn nước, để một lúc mụn bị vỡ, chảy và tiết dịch trên da đầu rồi lan rộng khắp mặt. Hoảng sợ, anh đến phòng khám da liễu tại Hà Nội thì biết mình bị dị ứng với thuốc nhuộm.
Theo tiến sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, trường hợp dùng thuốc nhuộm tóc nhiều lần không sao, nhưng có một lần bị dị ứng là do da có phản ứng với một thành phần của thuốc nhuộm. Phản ứng đó phụ thuộc vào cơ địa từng người, có người mạnh, người nhẹ hơn. Tiến sĩ Hùng từng gặp bệnh nhân dị ứng với mọi loại thuốc nhuộm, đến tái khám nhiều lần, lần nào cũng ngứa rát khó chịu và da đầu tiết dịch, nhưng vì lý do thẩm mỹ, người bệnh chấp nhận chịu tốn kém và đau đớn để làm đẹp.
"Nếu không chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ để lại tình trạng da có vảy, đỏ da, ngứa thường xuyên", tiến sĩ Hùng cho hay. Người có cơ địa dị ứng hay bị viêm phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa dị ứng khi sử dụng thuốc nhuộm tóc cần chọn lựa sản phẩm kỹ càng, chỉ dùng một loại sản phẩm phù hợp với da mình, không nên đổi nhiều loại thuốc. "Dừng ngay việc dùng thuốc nhuộm nếu có các biểu hiện ngứa, xót, chảy tiết dịch, sưng mắt và mặt", tiến sĩ khuyến cáo.
Bác sĩ cũng cho biết, theo ghi nhận tại các cơ sở y tế, tỷ lệ người bị dị ứng với thuốc nhuộm đen cao hơn nhuộm màu. Phần đông những người nhuộm đen thường có tuổi, sức đề kháng kém, có bệnh mãn tính. Việc nhuộm thời gian dài và mua loại thuốc rẻ tiền trôi nổi trên thị trường là nguyên nhân gây dị ứng da.
Bản thân thuốc nhuộm tóc là một dạng hóa chất, nếu dùng lâu dài sẽ hấp thụ qua da, gây các loại bệnh khác nhau ảnh hưởng tới cơ quan trong cơ thể như gan, thận và có khả năng gây ung thư da. Tiến sĩ Hùng khuyến cáo người dùng cần lưu ý những sản phẩm được cấp phép sử dụng, tránh mua thuốc nhuộm đứng tên hãng nhưng chất lượng là hàng nhái, không đảm bảo