ảnh minh họa
Người phương Đông quan niệm có năm vị cơ bản là mặn, ngọt, chua, cay và đắng.
Vị đắng được xác định là một trong những vị chính trong vị giác của con người. So với các vị còn lại, vị đắng thường không được “yêu thích” và luôn nằm ở vị trí đối lập với vị ngọt. Tuy nhiên, đắng lại là vị quan trọng khi nó luôn đồng hành cùng quá trình tiến hóa của con người và y học thể hiện qua việc tổ tiên của chúng ta đã xác định được một số loại thực vật có chất độc hoặc những loại cây mang vị đắng có khả năng phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ sức khỏe.
Sử dụng các thực phẩm mang vị đắng sẽ mang lại những lợi ích sau:
Nhiều dưỡng chất
Vị đắng giúp chúng ta hấp thu nhiều chất dinh dưỡng hơn bằng cách kích thích cơ thể sản xuất các enzyme và tiết ra nhiều mật hơn để hỗ trợ hoạt động tiêu hóa. Nếu lượng mật tiết ra quá ít, các cơn ợ nóng sẽ xuất hiện kèm theo chứng khó tiêu, khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc loại thải chất độc. Trong trường hợp này, một số loại thực phẩm có vị đắng sẽ giúp bạn “cải thiện” tình hình. Ngoài ra, những thực phẩm có vị đắng nhẹ như cải xoăn và cải xoong cũng rất giàu các hợp chất dinh dưỡng tự nhiên từ thực vật.
Hỗ trợ quá trình loại thải chất độc
Các loại rau, củ, quả có vị đắng thường chứa chất sulfur, một khoáng chất vi lượng có tác dụng hỗ trợ hoạt động của gan trong việc khử độc. Đây cũng là chất khử trùng tự nhiên giúp giải quyết một số rắc rối cho da như mụn hay các bệnh nhiễm trùng trên da.
Kiểm soát các cơn thèm ăn
Bên cạnh công dụng loại thải độc tố và hỗ trợ tiêu hóa, thực phẩm đắng còn có khả năng “cải tạo” lại nụ vị giác (là những hạt nhỏ lấm tấm trên lưỡi để nhận thức được vị) nếu như chúng được bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày. Chúng tạo ra cảm giác thèm ăn những thực phẩm “lành mạnh”, có ích cho sức khỏe và giúp bạn không thèm thức ăn ngọt.
Danh sách những thực phẩm có vị đắng tiêu biểu là cải xoăn, lá bồ công anh, rau diếp quăn, cà phê (không cho đường hay sữa), sôcôla đen, thì là, cải xoong, lô hội (lá tươi), nghệ, mùi tây, húng quế, mướp đắng, rau đắng…