Ăn nhiều rau củ màu cam, rau lá xanh đậm, các loại hạt, thực phẩm như tỏi, nghệ, cà chua..., bổ sung kẽm, magie để giúp giảm nguy cơ ung thư.
ảnh minh họa
Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng lại khá phổ biến hiện nay. Nguy cơ mắc bệnh không trừ một ai, vì thế chủ động phòng chống cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Dưới đây là 7 phương pháp đơn giản giúp ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này, theo Care2.
1. Sử dụng thực phẩm hữu cơ
Một nghiên cứu mới công bố trên tập san Entropy đã chỉ ra rằng glyphosate - thành phần chính của thuốc diệt cỏ có liên quan đến ung thư. Glyphosate chỉ là một trong rất nhiều loại thuốc trừ sâu được sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp có nguy cơ gây ung thư cao. Do đó, sử dụng các thực phẩm dán nhãn hữu cơ (organic) - thực phẩm không chứa thuốc diệt sâu, diệt cỏ… được coi là tốt hơ thực phẩm thông thường.
2. Đừng bỏ qua các loại rau củ quả màu cam
Một nghiên cứu trên 124.000 người do ĐH Harvard (Mỹ) thực hiện cho thấy, những người tiêu thụ nhiều thức ăn giàu carotenoid trong thực đơn hàng ngày giảm tới 32% nguy cơ ung thư.
Tiêu thụ nhiều thức ăn giàu carotene trong thực đơn hàng ngày giúp giảm tới 32% nguy cơ ung thư. Ảnh: Puregoodness.net
Carotenoid là một loại phytonutrient (chất dinh dưỡng tập trung ở lớp vỏ, tạo nên hương thơm, mùi vị, màu sắc cho rau quả) tạo ra màu đỏ, cam, vàng cho trái cây và rau quả. Dưỡng chất này có trong các thực phẩm như cà rốt, khoai lang, mơ, bí đỏ, cà chua, đu đủ và thực phẩm có màu tương tự. Các chất có thể bạn từng biết đến như beta-carotene, lutein và lycopene, đều là những dạng đặc biệt của nhóm chất carotenoid này.
3. Bổ sung vào thực đơn các thực phẩm chống ung thư
Việt quất, bông cải xanh, tỏi, trà xanh, trái lựu, cà chua, nghệ là những thực phẩm tuyệt vời có đặc tính chống ung thư cao. Danh sách thực phẩm chống ung thư rất đa dạng và đều có đặc điểm chung là những loại thực vật cơ bản, dễ tìm như trái cây, rau củ và các loại hạt.
4. Cung cấp đủ vitamin cho cơ thể
Tắm nắng vừa phải và đúng cách là biện pháp tốt nhất để bổ sung vitamin D cho cơ thể. Ảnh: news.softpedia.com.
Vitamin D giúp cơ thể chống lại nhiều bệnh tật, trong đó có cả ung thư. Tắm nắng vừa phải và đúng cách là biện pháp tốt nhất để bổ sung vitamin D cho cơ thể. Ngoài ra có thể uống bổ sung vitamin D theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì. Vitamin D có thể hòa tan trong chất béo nên nếu dùng quá nhiều sẽ tích trữ trong cơ thể và gây tình trạng dư thừa.
5. Bổ sung magie
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên Nutrion Reviews, thiếu hụt magie có thể gia tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính có tới 80% dân số thiếu chất dinh dưỡng quan trọng này.
Magie có nhiều trong hạnh nhân, hạt vừng, hạt hướng dương, trái sung, chanh, táo, các loại rau có màu xanh sẫm, cần tây, ngọn linh lăng, gạo lức. Liều magie được khuyến nghị là khoảng 200-800 mg/ngày.
6. Tiêu thụ các loại hạt giúp tăng cường hệ miễn dịch
Hạt bí đỏ được chứng minh có khả năng bảo vệ tuyến tiền liệt và là thực phẩm tối ưu để thêm vào bữa ăn hàng ngày của cả nam giới lẫn phụ nữ. Bạn nên chọn hạt còn sống và ướp lạnh để bảo đảm nguyên vẹn axit béo omega-3 có trong hạt bí đỏ. Ngoài ra, các loại hạt khác chống ung thư có thể kể đến như hạt lanh, hạt gai dầu, hạt hướng dương...
Hạt bí đỏ được chứng minh có khả năng bảo vệ tuyến tiền liệt. Ảnh:: fairwaymarket.com.
7. Bổ sung kẽm
Kẽm có liên quan đến hơn 300 chức năng của cơ thể trong đó bao gồm quá trình sản sinh loại enzim chống oxy hóa mạnh là SOD (superoxide dismutase). SOD là một trong những tuyến phòng thủ tốt nhất của cơ thể giúp ngăn ngừa ung thư nhờ khả năng chống các gốc tự do của nó. Kẽm có nhiều trong các loại chồi, hạt bí ngô, quả hạch Brazil, hành và rau có màu xanh đậm.