Duy trì sinh hoạt hàng ngày khi cơn cảm lạnh dai dẳng cứ đeo đuổi khiến nhiều người mỏi mệt, đặc biệt là vào thời tiết chuyển lạnh. Nếu một giấc ngủ dài và sâu không thể cải thiện được tình trạng này, hãy thử áp dụng những phương thức tự nhiên nhưng hiệu quả dưới đây để làm dịu các triệu chứng cảm lạnh và ngăn bệnh trở nặng.
1. Sử dụng tinh dầu kinh giới
Vị của dầu kinh giới hơi khó chịu với một số người không quen, tuy nhiên nó lại có công dụng giải cảm và giảm nghẹt mũi rất tốt. Nhỏ 3-4 giọt dưới lưỡi và uống thêm một ly nước để loãng bớt vị. Dầu kinh giới được sử dụng thường xuyên để điều trị và làm giảm các triệu chứng cảm lạnh. Bạn có thể sử dụng nhiều lần trong ngày cho đến khi cảm thấy khỏe hơn.
2. Hoa cúc dại
Một ly trà hoa cúc nóng sẽ là lựa chọn lý tưởng giúp xoa dịu sự khó chịu vì cảm lạnh.
Một số nghiên cứu cho rằng cúc dại có khả năng kích thích và hỗ trợ hệ miễn dịch, nhưng dường như tác dụng nổi trội nhất của nó là giảm các triệu chứng cảm lạnh đã biểu hiện hơn là ngăn ngừa bệnh. Một ly trà hoa cúc nóng sẽ là lựa chọn lý tưởng giúp xoa dịu sự khó chịu vì cảm lạnh.
3. Xịt hoặc rửa mũi bằng nước muối
Nước muối giúp giảm nghẹt mũi nhờ công dụng tiêu diệt virus và vi khuẩn. Bạn có thể mua bình xịt muối có sẵn hoặc tự trộn theo tỷ lệ: ¼ thìa muối, ¼ thìa natri bicacbonat (baking soda) với khoảng 240 ml nước sôi, nước lọc hoặc nước cất và sử dụng bình xịt thông thường có dạng phun sương. Đặt vòi của bình xịt vào một bên mũi, làm sạch mũi và tiếp tục với bên còn lại.
4. Uống nước hợp lý
Uống ít nhất 8-10 cốc nước mỗi ngày, đồng thời tránh các loại đồ uống nhiều đường, caffeine và cồn bởi chúng làm giảm chức năng miễn dịch và khiến cơ thể mất nước.
5. Xông hơi
Giữ mặt bên trên chậu nước vừa sôi, không khí ấm và ẩm ướt có thể làm giảm đáng kể tình trạng nghẹt mũi. Nếu hơi nước quá nóng, bạn có thể chờ nguội hơn hoặc hít thở chậm lại. Ngoài ra, sử dụng máy tạo hơi ẩm hoặc thư giãn với vòi sen nước ấm sẽ giúp ích rất nhiều.
6. Trà gừng
Gừng có nhiều công dụng trong việc chống lại virus và có thể làm giảm gần như ngay lập tức các triệu chứng cảm lạnh. Một ly trà gừng với chanh tươi và mật ong là bài thuốc vô cùng đơn giản nhưng có thể mang lại hiệu quả bất ngờ.
7. Cháo gà nóng
Cháo gà nóng có công dụng giải cảm rất tốt. Bạn có thể thêm vào cháo gà nóng một ít tỏi băm để tiêu diệt mầm bệnh và một ít ớt khô để làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi.
8. Trị ho bằng mật ong
Trộn đều ¼ tách mật ong với ¼ tách giấm rượu táo và uống 4 giờ một lần, mỗi lần khoảng 1 thìa canh.
9. Uống vitamin C
Các nghiên cứu về vitamin C vẫn còn nhiều tranh cãi. Dường như vitamin C không có nhiều công dụng trong việc ngăn ngừa cảm lạnh nhưng lại giúp xoa dịu các triệu chứng. Bổ sung vitamin C liều cao, trong khoảng 1.000–3.000 mg, có thể giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch khi bị cảm. Tuy nhiên, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ về liều lượng với từng người.
10. Bổ sung kẽm
Các viên kẽm giúp giảm độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh nếu được sử dụng ngay khi vừa nhiễm bệnh. Một viên ngậm hiệu quả có chứa 15-25 mg gluconate kẽm.
11. Mật ong tự nhiên
Đây cũng là phương thuốc tự nhiên làm tăng cường hệ miễn dịch và giảm ho hiệu quả với trẻ em dưới 6 tuổi, độ tuổi chưa thể sử dụng các loại thuốc ho. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến cáo không nên sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
Việc áp dụng các mẹo nhỏ dưới này rất hữu ích. Tuy nhiên, cần nhớ rằng nếu cơn cảm lạnh trở nặng và các triệu chứng không được cải thiện, hãy gặp bác sĩ để có được lời khuyên tốt nhất.
Theo VnExpress