Ăn kiêng quá mức sẽ không an toàn cho sức khỏe -
Coi chừng tác dụng phụ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong trường hợp cần giảm cân, nên ăn kiêng đúng đắn để có hiệu quả với nguyên tắc cơ bản: phối hợp chế độ ăn vừa giảm chất bột (cơm, mì) vừa giảm chất béo khẩu phần ăn. “Chế độ này giúp giảm khoảng 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng. Cần chú ý giảm khẩu phần ăn từng bước, dần dần, mỗi tuần giảm khoảng 300 Kcal so với khẩu phần ăn hiện tại cho đến khi đạt năng lượng tương ứng với chỉ số BMI”, TS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết.
Nhiều người áp dụng chế độ ăn rất thấp năng lượng, giúp giảm cân nhanh, người càng béo sẽ giảm cân càng nhiều. Tuy nhiên, TS Bích Nga lưu ý: “Chế độ giảm cân nhanh này có thể gây nên các tác dụng phụ: tăng a xít uric máu, bệnh gout, sỏi bàng quang và các biến chứng ở tim mạch”. Theo TS Bích Nga, có 2 nguy cơ có thể xảy ra khi giảm cân quá nhanh, đó là bệnh sỏi mật và giảm mật độ xương. Một phụ nữ khi giảm 4 - 10 kg thể trạng thì tăng 44% nguy cơ mắc bệnh sỏi mật, càng giảm cân thì nguy cơ này càng tăng. Sau giảm cân cũng làm giảm mật độ xương ở bệnh nhân béo phì. Với những người có các bệnh rối loạn chuyển hóa như: đái tháo đường dạng 2, có cơn ngừng thở khi ngủ, cần có sự theo dõi của bác sĩ về diễn biến sức khỏe trong quá trình giảm cân.
Các chuyên gia cũng lưu ý, với trẻ nhỏ khi áp dụng chế độ ăn giảm cân cần được sự tư vấn của bác sĩ. Khi trẻ ăn kiêng vẫn rất cần duy trì cân đối khẩu phần ăn để đáp ứng nhu cầu giúp cho trẻ phát triển.
Để bổ sung chất xơ và vitamin, trẻ béo phì, thừa cân nên ăn nhiều rau hoa quả ít ngọt (như dưa chuột, dưa gang, củ đậu với khoảng 200 - 500 gr/ngày. Trẻ béo phì nên uống nhiều nước (1,5 lít/ngày) trong đó lưu ý duy trì cả sữa tươi, sữa chua, tốt nhất là sữa không đường. “Sữa có nhiều can xi và còn là nguồn cung cấp vitamin B1 và B2 rất cần cho cơ thể”, TS Nga cho biết.
Có nên “tẩy chay” cơm?
Chế độ ăn không chất bột đường, bỏ hẳn cơm, không ăn đồ ăn có chất béo mà chỉ ăn thịt nạc (đạm) và rau xanh để giảm cân đang được nhiều người lựa chọn. Về thực đơn này, TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết: “Đạm cho chúng ta cảm giác no lâu hơn, kiểm soát cơn đói tốt hơn. Nhưng nhiều đạm (protein) thì cơ thể sẽ vất vả hơn để tiêu thụ chúng. Ví dụ như dạ dày, tụy và đặc biệt là thận sẽ mệt hơn. Ngay cả khi muốn giảm cân vẫn nên duy trì chế độ ăn có tinh bột (cơm), nhưng lượng tiêu thụ giảm, chứ không nên bỏ cơm”.
TS Lê Thị Bạch Mai cho lời khuyên: “Áp dụng chế độ ăn giảm cân an toàn bằng cách: giảm cân dần dần với tốc độ giảm 5 - 10% cân nặng trong 3 - 6 tháng. Tốc độ này đủ cho cơ thể thích nghi, da không bị nhăn nheo, có thời gian đàn hồi, không bị chùng nhão do sụt ký đột ngột. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, bắt đầu ăn trước khi đói và kết thúc trước khi no, tránh để cơ thể lâm vào tình trạng đói quá mức dễ dẫn đến mất kiểm soát năng lượng nạp vào”.
Theo Thanh Niên