Một điều khá đặc biệt mà ít người biết đó là cá ngựa không chỉ tốt cho đàn ông mà các chị em cũng có thể được lợi từ loại "viagra động vật" này nếu biết cách chế biến và sử dụng.
Rượu ngâm cá ngựa đang được bày bán ở nhiều nơi để phục vụ nhu cầu của những người đang gặp trục trặc trong đời sống gối chăn. Ảnh: T.G
Cá ngựa từ lâu đã được biết đến là vị thuốc quý cho cánh mày râu trong việc tăng cường chức năng tình dục. Nam giới thường săn tìm loài động vật biển này về phối hợp với các vị thuốc khác để ngâm rượu và tạo nên loại thức uống "ông uống, bà khen". Tuy nhiên, một điều khá đặc biệt mà ít người biết đó là cá ngựa không chỉ tốt cho đàn ông mà các chị em cũng có thể được lợi từ loại "viagra động vật" này nếu biết cách chế biến và sử dụng.
Viagra không chỉ của nam giới
Cá ngựa (hải mã) là tên gọi chung của một chi động vật sống ở đại dương các vùng biển nhiệt đới. Nó được xem là một loài thuốc quý ở khu vực Đông Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam. Trong y học cổ truyền Trung Hoa, cá ngựa đã được sử dụng làm thực phẩm thuốc từ hơn 600 năm về trước và có mặt trong sách thuốc cổ "Cương mục thập di" từ năm 1795.
Các công dụng chữa bệnh của loài vật này được liệt kê rất đa dạng nhưng nổi bật nhất là điều trị tình trạng suy giảm khả năng tình dục. Về công dụng này thì từ lâu đã lưu truyền trong dân gian và vẫn được áp dụng đến bây giờ. Theo Đông y, hải mã có vị ngọt, mặn, mùi tanh (nếu không sao tẩm), tính ấm, không độc có tác dụng làm ấm thận, tráng dương, gây hưng phấn, kích thích sinh dục.
Trước đây, công dụng của cá ngựa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian được rút ra từ thử nghiệm thực tế của nhiều người. Các nhà khoa học khi nghiên cứu thành phần hóa học của cá ngựa cũng mới chỉ chú trọng đến các nguyên tố vi lượng, các acid amin, acid béo... tác dụng dược lý vẫn chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng. Vài năm trở lại đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu thành phần phân tử các hợp chất trong cá ngựa ở cấp độ gène và protein. Đây là một hướng nghiên cứu mới, hiện đại, chứng minh cơ chế phân tử quyết định đến công dụng y học của loài sinh vật này.
Theo kết quả nghiên cứu, cá ngựa chứa các phân tử miễn dịch có hai nguồn gốc khác nhau: Từ yếu tố di truyền bẩm sinh và từ hệ miễn dịch do quá trình chọn lọc tự nhiên. Dạng miễn dịch do quá trình chọn lọc tự nhiên giúp kháng lại các vi sinh vật, chống ôxy hóa, giải độc, tăng cường các lectin và protein có liên quan đến quá trình tạo máu... Các phân tử miễn dịch từ di truyền bẩm sinh thì có tác dụng trong quá trình chống oxy hóa và chống lão hóa của cơ thể.
Cũng từ nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tìm thấy trong cá ngựa các phân tử có chứa hàm lượng nguyên tố sắt cao. Đây chính là giải thích cho công dụng chống mệt mỏi, tái tạo hồng cầu của loài động vật biển này khi sử dụng chúng phối hợp với một số dược liệu cổ truyền khác. Một điều đáng nói nữa là cá ngựa có chứa một enzym sinh tổng hợp chất prostaglandin, một chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa thần kinh, hormon và hệ miễn dịch. Chất prostaglandin và tiền chất của nó có khả năng kích thích sự tiết ra hormon oxytocin hay còn gọi là "hormone tình yêu" - nội tiết tố có liên quan đến hoạt động tình dục ở cả nam giới và nữ giới. Đặc biệt ở phái đẹp, tác dụng của chất này còn được nhân lên gấp nhiều lần do có sự hỗ trợ của hormon estrogen. Như vậy, có thể thấy rằng tác dụng của cá ngựa đối với chị em có phần nhiều hơn đối với phái mày râu - điều mà trước đây nhiều người ít ngờ tới.
Các bài thuốc hữu dụng từ cá ngựa
Ở Việt Nam, loài động vật biển này thường gặp ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và dọc bờ biển các tỉnh phía nam từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Kiên Giang; nhiều nhất là ở vịnh Hạ Long, Bình Thuận, Khánh Hòa. Có hai cách sử dụng cá ngựa truyền thống là dùng dạng bột hoặc ngâm rượu. Tuy nhiên, trước hết là phải chế biến để đảm bảo an toàn và vệ sinh. Sau khi chế biến, cá ngựa sẽ giống như một gióng dài, dẹt và cong, phần giữa to, mặt ngoài màu trắng ngà hoặc vàng nâu. Toàn thân có những đốt vân nổi rõ và nhô lên ở suốt dọc lưng, bụng và hai bên sườn như gai. Đầu gập xuống hoặc hơi choãi ra, đỉnh đầu có một u lồi, hai mắt lõm sâu. Đuôi thuôn dần và cuộn tròn vào phía trong. Cá ngựa thân to, màu sáng đều, đầu và đuôi còn nguyên vẹn là loại tốt.
Để sử dụng bột cá ngựa, người ta đem cá ngựa khô bẻ thành miếng nhỏ, sao vàng tới thơm sau đó tán bột mịn dùng trong thời gian nhất định. Ngày 3 lần, mỗi lần 1-3 g; dùng 2-3 tuần liền, trước bữa ăn. Tuy nhiên, cách này không được ưa chuộng nhiều bằng cách ngâm rượu bởi khi ngâm rượu cùng một số vị thuốc khác, cá ngựa sẽ cho tác dụng gấp nhiều lần.
Theo quan niệm của ngư dân vùng biển thì cá ngựa để tươi ngâm rượu mới quý. Do đó, trong mỗi chuyến ra khơi, họ thường mang theo hàng lít rượu trắng để ngâm ngay khi bắt được cá. Họ còn cho rằng phải dùng một đôi cá ngựa, nhất là đôi cá đang "quấn nhau" và còn nguyên mắt mới là tốt nhất. Đó là lý do vì sao ở thị trường, người ta thường bán hai con cá ngựa buộc chung với nhau (một to, một nhỏ) tượng trưng cho con đực và con cái. Ở Trung Quốc, các ngư dân còn dùng cá ngựa tươi nấu với thịt gà ăn làm thuốc bổ khí huyết, ôn thận dương.
Trong dân gian, người ta hay ngâm rượu cá ngựa với chim bìm bịp, tắc kè và một số dược liệu nguồn gốc thực vật như các loại sâm rừng, nhất là củ sâm cau (một dược liệu có tác dụng kích thích sinh lý mạnh). Mới đây, cá ngựa còn được bào chế với nhung hươu, ngài tằm đực, nhân sâm, ba kích, hà thủ ô, hồ đào... thành dạng cao chiết xuất bằng cồn 70 độ và viên bao với tên gọi là Bipharton (theo chương trình nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại) có tác dụng kích thích sinh dục.
Thạc sĩ - lương y đa khoa Vũ Quốc Trung, phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, cá ngựa là vị thuốc được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị tăng cường chức năng tình dục nhưng với những người âm hư hỏa vượng (hay nóng sốt về chiều, mờ mắt, mắt đỏ, khô cổ, ù tai, hay lở miệng, viêm họng, viêm xoang mãn...), cảm cúm, sốt, phụ nữ có thai thì không nên dùng.
Lương y Vũ Quốc Trung cũng gợi ý một số bài thuốc từ cá ngựa tốt cho "chuyện ấy" như sau: Đối với nam giới mắc chứng liệt dương, phụ nữ chậm có con do dương khí suy thì sử dụng 30g cá ngựa 30g, 30g nhân sâm, 20g cốt toái bổ, 20g long nhãn; tất cả cắt nhỏ, ngâm với 1 lít rượu trong 7 - 10 ngày, càng lâu càng tốt; ngày uống 20 - 40ml, có thể pha thêm mật ong. Đối với các trường hợp liệt dương, di tinh, tảo tiết, bạch đới khí hư (huyết trắng) thì sử dụng 2 con cá ngựa, 1 con gà sống non, nấm hương ngâm nước cho nở; gà luộc, rút bỏ xương, đặt cá ngựa, nấm hương, hành hoa hoặc hành củ thái lát, gừng tươi thái lát lên trên và xung quanh, thêm muối, rượu, gia vị hầm nhừ trong khoảng 30 phút, gắp bỏ hành, gừng, thêm tiêu, ớt, gia vị. Nếu ngâm thì dùng một đôi cá ngựa, 6g đại hồi, 10g dâm dương hoắc, 12g kỷ tử, 20g dương quy và 1 lít rượu trắng; ngâm trong 1 tháng là dùng được. Mỗi ngày uống 30ml, dùng cho trường hợp di tinh, liệt dương, yếu sinh lý.
Hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn?
Ngoài việc tăng cường chức năng tình dục thì cá ngựa còn được cho là bài thuốc khá hữu ích đối với những cặp vợ chồng đang ngày ngày mong mỏi một thiên thần bé nhỏ. Sở dĩ như vậy bởi trong loài động vật biển này có chứa chất DHA (docosahexanenoic acid), chất giúp cho việc sinh sản tinh trùng. Theo kinh nghiệm dân gian, việc dùng cá ngựa một đôi sấy khô vàng, tán bột, uống ngày 3 lần (mỗi lần 1g, dùng nước chiêu thuốc) có thể chữa liệt dương ở nam giới và vô sinh ở nữ giới. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thì vô sinh, hiếm muộn do nhiều nguyên nhân gây lên nên những người rơi vào trường hợp này trước hết cần được thăm khám để có hướng điều trị phù hợp nhất; không có loại "thuốc tiên" nào có thể chữa trị được tất cả các trường hợp.