Bạn sẽ yên tâm ngó lơ các hiệu thuốc nếu như giỏ xách đi chợ của bạn luôn đầy rau quả tươi. Không chỉ là món ăn ngon, thực phẩm từ rau quả còn cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể và ngăn ngừa bệnh tật.
ảnh minh họa
• Ớt chuông
Ớt chuông hay còn gọi là ớt Đà Lạt, chứa rất nhiều vitamin C (hơn cả trái cam) có tác dụng chống nhăn da. Các beta-caroten trong ớt chuông giúp chống lại sự tấn công của các gốc tự do, ngăn ngừa quá trình lão hóa da. Ớt chuông vàng và ớt chuông xanh giúp bảo vệ màng collagen và nuôi dưỡng da tốt nhất. Vitamin A và vitamin C trong ớt chuông chống lại quá trình ôxy hóa giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa sớm của tế bào và các rối loạn về mắt. Chất liuteolin chống ung thư da và bệnh tim mạch cũng có trong ớt chuông.
Ngoài ra, ớt chuông màu xanh còn có tác dụng tốt với những người mắc bệnh béo phì trong việc ngăn chặn các rối loạn tiêu hóa, làm giảm nguy cơ tiểu đường. Dùng ớt chuông như một loại sinh tố có tác dụng rất tốt trong việc kích thích tuyến dịch vị, gia tăng bài tiết, tăng cường tiêu hóa. Uống sinh tố ớt chuông hàng ngày có thể kích thích tim đập nhanh, tăng tuần hoàn máu.
Theo những nghiên cứu mới nhất, ớt chuông còn có tác dụng tăng cường trí nhớ, tăng tính đàn hồi của các mạch máu não. Ớt chuông dùng trong các món xà lách trộn với cá ngừ, món xào hay nhồi thịt đều ngon.
Ảnh: flickr.com
• Cà rốt
Là một trong những thực phẩm hàng đầu về giá trị dinh dưỡng. Cà rốt giàu vitamin C, D, E và các vitamin nhóm B. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất carotene (sau khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa dần thành vitamin A). Cà rốt bổ sung chất khoáng, làm tăng lượng hồng cầu, tăng miễn dịch tự nhiên, là yếu tố sinh trưởng, kích thích sự tiết sữa, giúp các mô và da trẻ lại. Cà rốt còn giúp điều hòa ruột, làm lành vết thương ở ruột, có tác dụng lọc máu, làm loãng mật, trị ho, lợi tiểu, trị giun và giúp liền sẹo. Ngoài ra, phụ nữ ăn nhiều thực phẩm giàu caroten như cà rốt sẽ hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nên dùng cà rốt dưới dạng nước ép hay món xào để cơ thể dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Ảnh: flickr.com
• Bạc hà
Lá bạc hà có tác dụng kích thích tiêu hóa đồng thời giúp làm dịu đau dạ dày trong trường hợp bị sưng viêm. Mùi thơm của lá bạc hà kích hoạt tuyến nước bọt cũng như các tuyến tiết enzyme kích thích tiêu hóa, qua đó giúp cải thiện tình trạng tiêu hóa. Ngoài ra, hương bạc hà có tác dụng hữu hiệu trong việc làm thông mũi, họng, phế quản và phổi cũng như giảm rối loạn hô hấp và trị chứng buồn nôn hữu hiệu. Mùi dầu bạc hà hoặc lá bạc hà tươi nghiền nát giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, có tác dụng giảm ho.
Việc thường xuyên dùng lá bạc hà rất hữu ích cho bệnh nhân hen vì giúp thông đường hô hấp. Bên cạnh đó, nước ép lá bạc hà có tác dụng làm mềm da, chữa viêm nhiễm da, trị mụn, cũng có thể dùng để trị các vết cắn của côn trùng như muỗi. Lá bạc hà được xem là chất sát trùng và giúp hơi thở thơm tho, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây hại. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, một số enzyme trong lá bạc hà có thể giúp trị ung thư.
Ảnh: flickr.com
• Thì là
Thì là giúp kích thích sản xuất tăng tiết sữa cho những phụ nữ đang cho con bú và làm giảm trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thì là với số lượng quá nhiều lại có thể dẫn đến co giật cơ bắp, thậm chí gây ảo giác. Loại thảo dược này có chứa nhiều khoáng chất fennel và các vitamin C, chất xơ, mangan, kali, magiê, canxi, sắt, vitamin B3... giúp kháng khuẩn và rất hữu ích cho hệ thống miễn dịch. Hơn nữa, do có chứa nhiều chất xơ nên thì là giúp giảm mức cholesterol trong cơ thể.
Ngoài ra, các chất xơ trong thì là còn ngăn ngừa ung thư đường ruột nhờ tác dụng loại bỏ độc tố và chất gây ung thư từ ruột. Kali trong thì là còn là một khoáng chất cần thiết giúp giảm huyết áp cho những người bị bệnh tim.
Thì là có thể ăn được cả hạt, lá và rễ, nhưng chất béo chiết xuất từ hạt thì là lại khá độc, ngay cả khi sử dụng với lượng nhỏ, dẫn đến phát ban da, khó thở và buồn nôn. Ngoài ra, thì là có tác dụng trong điều trị vết bầm, béo phì, giữ nước, nhiệt miệng..
Thì là giúp loại trừ cảm lạnh thông thường và làm giảm cơn ho do vướng đờm trong cổ họng. Ngoài ra, xông hơi bằng nước lá thì là giúp làm giảm bớt bệnh suyễn và viêm phế quản. Xi-rô làm từ nước thì là giúp giảm ho.
Tuy nhiên, những phụ nữ mang thai không nên sử dụng thì là, vì loại rau gia vị này có chứa các chất kích thích tử cung. Tuy nhiên, thì là không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào nếu nó được sử dụng trong bữa ăn.
Với cách sử dụng xông hơi, tinh dầu thì là có thể tiếp xúc trực tiếp với da, gây viêm da đối với làn da nhạy cảm.
Ảnh: flickr.com
• Nấm
Nấm giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Các polysaccharide trong nấm có khả năng hoạt hóa miễn dịch tế bào, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của bạch cầu (có chức năng chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể).
Ngoài ra nấm còn kháng ung thư và kháng virus, kích thích cơ thể sản sinh interferon, nhờ đó ức chế được quá trình sinh trưởng và lưu chuyển của virus. Hơn nữa, nấm có tác dụng điều tiết công năng tim mạch, làm tăng lưu lượng máu động mạch vành, hạ thấp ôxy tiêu thụ và cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim. Thêm vào đó, nấm có công dụng phòng chống viêm gan và loét dạ dày.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiều loại nấm ăn có tác dụng giải độc và bảo vệ tế bào gan rất tốt. Khá nhiều loại nấm ăn có tác dụng làm hạ đường máu như ngân nhĩ, nấm linh chi… Ngoài công dụng điều chỉnh đường máu, các polysaccharide B và C trong nấm linh chi còn có tác dụng chống phóng xạ.
Gốc tự do là các sản phẩm có hại của quá trình chuyển hóa tế bào. Nhiều loại nấm ăn như nấm linh chi, mộc nhĩ đen, ngân nhĩ… có tác dụng thanh trừ gốc tự do, làm giảm chất mỡ trong cơ thể, từ đó có khả năng làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ.
Ngoài ra, nhiều loại nấm ăn còn có tác dụng an thần, trấn tĩnh, rất có lợi cho việc điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Gần đây, nhiều nhà khoa học còn phát hiện thấy nấm còn có tác dụng phòng chống AIDS ở mức độ nhất định, thông qua khả năng nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể.