Bố tôi bị ho nhiều, đi khám bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản và kê đơn cho mua thuốc kháng sinh, ghi uống ngày 2 lần.
ảnh minh họa
Khi cụ ăn sáng rồi uống thuốc tôi mới băn khoăn là thức ăn có làm giảm tác dụng của thuốc? Xin quý báo nói cho tôi rõ điều này? Xin trân trọng cảm ơn.Bạn không nói rõ, ông cụ uống loại thuốc kháng sinh nào? Một số yếu tố của dạ dày như pH dịch vị, dạ dày rỗng hoặc đầy thức ăn... có ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ thuốc làm tăng hoặc giảm hiệu suất điều trị mà bạn nên biết.
Nếu đó là các kháng sinh kém bền vững trong môi trường acid như: nhóm beta-lactam (penicillin, amoxycilin...), nhóm macrolid (azithromycin, erythromycin, clarithromycin...) khi được uống vào lúc ăn thì thời gian lưu lại của thuốc ở dạ dày lâu hơn khi uống lúc dạ dày rỗng - thuốc dễ bị phá hủy bởi môi trường acid của dạ dày. Mặt khác, có một số kháng sinh như ampicillin, lincomycin,... bị một số thức ăn làm giảm hấp thụ. Do vậy, các thuốc kháng sinh loại này nên uống xa các bữa ăn (khoảng 1 giờ trước khi ăn hoặc 1-2 giờ sau bữa ăn).
Tuy nhiên, có một số kháng sinh lại nên uống vào bữa ăn. Đó là các kháng sinh kích ứng mạnh đường tiêu hóa, không bị thức ăn làm giảm hấp thụ như: doxycyclin và nhóm fluoroquinolon (ciprofloxacin, ofloxacin...) nên uống vào bữa ăn, bởi thức ăn sẽ làm cản trở cơ học làm giảm kích ứng của thuốc với hệ tiêu hóa như buồn nôn, viêm thực quản, loét dạ dày - tá tràng.
Như vậy, uống kháng sinh vào lúc dạ dày rỗng hoặc no đầy thức ăn, phụ thuộc vào hoạt chất uống, bạn và người thân của bạn khi cầm đơn thuốc nên hỏi cặn kẽ để dùng thuốc có hiệu quả điều trị cao.