Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B1, B9, B12 mỗi ngày có thể giúp bạn ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm như tê phù chân tay, teo cơ, thiếu máu, viêm teo niêm mạc dạ dày, suy giảm trí nhớ...
Axit folic có trong rất nhiều thực phẩm như các quả có vị chua, rau lá xanh, cà chua, các loại đậu, gạo, mỳ, và các sản phẩm từ hạt như bánh mì, ngũ cốc ăn sáng.
Vitamin nhóm B rất cần thiết đối với cơ thể. Đây là hợp chất hòa tan, không lưu lại trong cơ thể lâu nên cần phải bổ sung thường xuyên qua những thực phẩm dùng hàng ngày. Nếu thiếu chất này, cơ thể sẽ bị suy yếu, khiến phát sinh một số bệnh tật nguy hiểm.
Vitamin B1 ngăn ngừa chứng bệnh tê phù tay chân, teo cơ
Căn bệnh phù tay chân, teo cơ có tên gọi béribéri, bệnh xuất hiện khi cơ thể thiếu vitamin B1 nghiêm trọng, kéo dài trong khoảng 3 tháng. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị teo cơ gây liệt 2 chân, thậm chí mất mạng vì suy tim. Triệu chứng bệnh lúc đầu âm thầm, không rõ nét nên ít người quan tâm. Ban đầu, người bệnh chỉ thấy uể oải, mệt nhẹ, chân đi chóng mỏi và có cảm giác nặng ở bắp chân. Đặc biệt, cơ thể người bệnh thấy khó chịu về chiều tối, chân hơi bị phù ở vùng mắt cá và tê, có cảm giác râm ran như kiến bò, hay bị chuột rút và thỉnh thoảng tim đập nhanh.
Ở mức nhẹ, bệnh nhân mới chỉ mất hoặc giảm cảm giác và phản xạ ở chi dưới, nếu được điều trị kịp thời bệnh có thể chữa khỏi được. Ở mức trung bình, người bệnh sẽ bị mất cảm giác và phản xạ gân xương, có hiện tượng nhược cơ, đi lại khó khăn nhưng chưa bị teo cơ hoặc teo cơ chưa rõ. Ở mức độ nặng, người bệnh bị phù toàn bộ hai chi dưới, mất phản xạ gân xương, mất cảm giác, bị teo cơ không đi lại được, có thể chết do suy tim, nhất là với trẻ em.
Để đề phòng bệnh tê phù tay chân, teo cơ... mọi người nên ăn gạo mới, bảo quản tốt, không bị mốc hỏng, chọn loại chỉ xay xát một lần
Một trong số những nguyên nhân gây bệnh béribéri thường gặp ở Việt Nam là do ăn gạo xay xát quá kỹ (từ 2 đến 3 lần), ăn gạo từ thóc bị úng nước lâu ngày đã mất hết vitamin hoặc ăn gạo để lâu bị mốc, lượng vitamin còn rất thấp. Bên cạnh đó, nhiều người chưa chú ý đến việc ăn thêm các thực phẩm có nhiều vitamin B1 như đậu đỗ, vừng, lạc, thịt, cá, rau, quả... Nếu chỉ ăn cơm mà ít dùng các thực phẩm khác cũng dễ bị tê phù, bởi lượng gạo chúng ta ăn hằng ngày chỉ cung cấp được khoảng 50% nhu cầu vitamin B1 của cơ thể.
Để đề phòng bệnh tê phù tay chân, teo cơ... mọi người nên ăn gạo mới, bảo quản tốt, không bị mốc hỏng, chọn loại chỉ xay xát một lần, theo tiêu chuẩn 100 kg thóc lấy 70 kg gạo, không nên ăn gạo xay xát quá trắng. Ngoài ra, bữa ăn hằng ngày nên được bổ sung những thực phẩm có nhiều vitamin B1 từ thịt và gan của bò, lợn, lòng đỏ trứng, rau tươi như rau dền cơm, diếp, xà lách, giá đậu xanh, tỏi... các loại đậu như đậu tương, đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, lạc, vừng...
Vitamin B12 liên quan đến thiếu máu, các bệnh về thần kinh
Theo Viện Sức khoẻ quốc gia Mỹ, vitamin B12, còn được gọi là cobalamin, có tác dụng duy trì tình trạng khoẻ mạnh của tế bào thần kinh và hồng cầu. Đây là chất quan trọng và cần thiết trong việc tạo ra DNA, vật liệu di truyền trong tế bào. Tuy nhiên, một số người dường như chưa coi trọng đúng mức vitamin B12.
Thiếu vitamin B12 cho thấy ảnh hưởng rõ rệt lên những dòng tế bào có sự phân bào nhiều như các tế bào máu, tế bào biểu mô (nhất là ở niêm mạc đường tiêu hóa). Thiếu vitamin B12 gây suy thoái chất myelin, một chất béo và là thành phần quan trọng của tế bào thần kinh, gây ra những triệu chứng thần kinh. Vitamin B12 do vi khuẩn tổng hợp từ thiên nhiên, sau đó mới đi vào chu trình thức ăn của các động vật, chủ yếu từ các động vật ăn cỏ.
Vitamin B12 do vi khuẩn tổng hợp từ thiên nhiên, sau đó mới đi vào chu trình thức ăn của các động vật, chủ yếu từ các động vật ăn cỏ.
Những người dễ bị thiếu vitamin B12 gồm những người ăn chay trường, không ăn thịt cá, trứng, sữa trong nhiều năm, người bị viêm teo niêm mạc dạ dày, người đã cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày, người có bệnh ở ruột non như bệnh celiac, bệnh sprue, bệnh viêm ruột vùng, đã cắt đoạn ruột hoặc nối tắt ruột, người uống viatmin C nhiều.
Thiếu vitamin B12 là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu, các bệnh thần kinh và những triệu chứng khác. Người bệnh xanh xao, yếu, dễ mệt, ăn mất ngon, hồi hộp đánh trống ngực, đau đầu, khó thở, ngất xỉu. Các biểu hiện về thần kinh thể hiện đối xứng trên cơ thể và kéo dài nhiều tháng, như cảm giác tê như kiến bò, giảm cảm giác rung, giảm cảm giác vị thế đưa đến chứng thất điều. Ngoài ra, người mắc bệnh còn có những triệu chứng khác như đi đứng xiêu vẹo, khả năng trí óc giảm sút, thậm chí có thể hoang tưởng, lở và đau lưỡi, táo bón, hạ huyết áp...
Vitamin B12 có trong thức ăn nguồn gốc động vật như thịt heo, cừu, bò, gia cầm, đặc biệt là bộ phân nội tạng như gan, tim, thận... Ngoài ra, B12 còn có trong trứng, sữa, sò ốc và một số hải sản như cua, cá hồi, tôm... Dùng ngũ cốc vào bữa sáng cũng là một biện pháp nạp vitamin B12 rất tốt, đặc biệt đối với những người đang ăn kiêng, phụ nữ có thai và cho con bú, bởi khi đó, nhu cầu B12 tăng khoảng 20 đến 40%.
Vitamin B9 giúp ngăn ngừa chứng đột quỵ và bệnh tim
Nghiên của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, những người dùng khoảng 300 microgam vitamin B9 mỗi ngày giảm được 20% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ bệnh tim so với những người dùng dưới 136 mcg một ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng 2 cốc rượu mỗi ngày sẽ làm tăng 10 lần nguy cơ bị những dạng đột quỵ nặng nề.
Kết luận này được các nhà khoa học tại Đại học Sức khỏe Cộng đồng và Y tế Nhiệt đới Tulane đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trên gần 10.000 nam và nữ từ 25 đến 74 tuổi. Các tác giả cũng nhận thấy, những người dùng chế độ ăn giàu axit folic có huyết áp và hàm lượng cholesterol trong máu thấp hơn một chút so với những người dùng ít chất này. Họ cho biết, hàm lượng axit folic cần dùng cho mỗi người là 300 đến 400 mcg mỗi ngày.
Axit folic có trong rất nhiều thực phẩm như các quả có vị chua, rau lá xanh, cà chua, các loại đậu, gạo, mỳ, và các sản phẩm từ hạt như bánh mì, ngũ cốc ăn sáng. Từ năm 1998, Mỹ đã bổ sung axit folic vào bột mì nhằm cung cấp thêm khoảng 100 mcg chất này mỗi ngày vào chế độ dinh dưỡng. B9 có tác dụng chống xơ vữa động mạch giống như B6 và B12 thông qua giảm nồng độ homocysteine, chất gây tổn thương thành mạch trong máu.