ảnh minh họa
Trong mắt của mỗi người thường có một tuyến lệ chính và một tuyến lệ phụ. Tuyến lệ chính nằm ở góc trên của mí mắt trên và về phía ngoài.
Các tuyến lệ phụ nằm rải rác trong kết mạc mắt ở cả mí mắt trên và mí mắt dưới. Nước mắt do các tuyến lệ tạo ra có tác dụng giữ cho kết mạc và giác mạc luôn ẩm ướt và rửa trôi các bụi bặm hay các dị vật nhỏ lọt vào mắt.
Với cơ chế hoạt động bình thường, tuy nước mắt được tạo ra liên tục nhưng không bao giờ chảy ra ngoài mắt. Chỉ khi có những cảm xúc mạnh làm cho tuyến lệ tạo nhiều nước mắt hơn bình thường, nước mắt mới chảy ra ngoài mắt.
Chảy nước mắt bất thường có thể rơi vào một trong hai nguyên nhân khác nhau. Trường hợp thứ nhất, tuyến lệ tạo ra quá nhiều nước mắt do kết mạc hay giác mạc bị kích thích. Những nguyên nhân gây kích thích thường là do bụi hay dị vật lọt vào mắt, tiếp xúc nhiều với gió, lông mi mọc vào trong. Mắt bị kích thích cũng có thể do dị ứng nữa.
Trường hợp thứ hai do tắc nghẽn kênh dẫn lưu nước mắt. Những nguyên nhân có thể là nhiễm trùng đường hô hấp trên, mí mắt quặm, lông mi mọc vào trong hoặc nghẽn lệ đạo.
Để xác định được bệnh về mắt cần phải kiểm tra các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên, các dấu hiệu của dị ứng, các chấn thương. Các tật của mắt, các bệnh về giác mạc, kết mạc mắt và các dị vật trong mắt.
Điều trị tùy theo nguyên nhân và kết quả thăm khám mắt, có thể áp dụng một trong các biện pháp sau: Nếu nghẽn lệ đạo có thể dùng ngón tay ấn nhẹ vào và xoa nắn ở vị trí của tuyến lệ, mỗi ngày 2 lần. Nếu mắt đỏ cho dùng thuốc nhỏ mắt có kháng sinh. Dùng gạc mềm thấm nước vừa ẩm để lau mắt thường xuyên có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng.
Nếu có lông mi trong tuyến lệ thì dùng một cái kẹp nhỏ để gắp ra. Các trường hợp như mi mắt quặm, lông mi mọc vào trong có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Tránh không dùng thuốc mỡ hay thuốc nhỏ mắt trừ khi có dấu hiệu chắc chắn là viêm kết mạc.