Từ lâu, người dân ở miền rừng núi này vẫn yêu kính gọi ông bằng cái tên trìu mến “thần y xứ Mường”, không chỉ bởi tài chữa bỏng kỳ diệu mà còn bởi sự tận tâm, không màng danh lợi của ông mỗi khi bệnh nhân đến “gõ cửa” nhờ cậy.
|
Ông Dũng giới thiệu một trong các loại thuốc dùng để chữa bỏng với PV. Ảnh: T.G
|
Cứu hàng ngàn ca bỏng từ lá cây rừng
Khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm ẩn giữa những vạt rừng xanh mướt, ông Dũng còn đang lúi húi bên khu vườn nhỏ trồng cây thuốc. Ở xóm Quyền (xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), những người dân đã quá quen với hình ảnh này. Hàng ngày, ngoài thời gian điều trị cho người bệnh khắp xa gần, ông Dũng nếu không lên rừng hái lá thì cũng vun xới, tưới tắm ngoài vườn hoặc đọc sách nghiên cứu thêm y văn kim cổ. Có lẽ, cũng nhờ sự cần mẫn này, nên hơn hai chục năm trôi qua, từ bài thuốc gia truyền của dòng họ, ông đã phát triển thành công và cứu được hàng ngàn bệnh nhân bị bỏng.
Chia sẻ với phóng viên về lai lịch bài thuốc được đông đảo bệnh nhân tín nhiệm của mình, ông vui vẻ tiết lộ: “Bài thuốc này đã được các cụ trong dòng họ tôi truyền qua nhiều đời. Đến lượt mình, vì học theo thiện tâm của tổ tiên, tôi cũng chuyên tâm theo cụ ngoại nhiều năm để lĩnh hội cho được”. Vừa giới thiệu về nguồn gốc bài thuốc của mình, ông vừa với tay lấy chiếc gùi đựng đầy lá hương nhu, lá ráy và lá tre rồi bảo: “Những loại lá này, với người khác chỉ là thức ăn cho trâu, cho lợn. Nhưng với tôi, nó là vị thuốc quý khi kết hợp cùng nhiều loại lá khác như lá khế, lá rau lang, lá chuối… giúp các bệnh nhân bỏng thoát khỏi những cơn đau hành hạ”.
Nhớ lại những ngày đầu tiên theo nghề, ông kể: “Hành thiện cứu đời phải coi đó như cơ duyên trời cho mình để tu nhân tích đức. Cụ ngoại tôi từng dạy, nếu chỉ trọng danh lợi, tiền tài thì dù có thành thầy thuốc giỏi, nhưng suốt đời không được người bệnh quý trọng”. Nhớ nằm lòng lời dạy đó, nên hơn hai chục năm qua, tiếp nhận và chữa trị cho các bệnh nhân bị bỏng đủ loại, từ bỏng nước, bỏng nóng, bỏng mỡ, bỏng xăng cho đến bỏng nhựa đường..., ông Dũng chưa bao giờ ngại khó, ngại khổ. Nhiều lần, bệnh nhân đến gọi cửa lúc đêm hôm khuya khoắt hay sáng sớm tinh mơ, ông cũng trở dậy ra vườn hái thuốc. Những vị không có sẵn, ông lại xuyên bóng tối, mang đèn pin lên rừng hái về cho bằng được.
|
Ông Bùi Văn Dũng tâm sự với PV. Ảnh: T.G
|
Về cách chữa bỏng của mình, ông Dũng cho biết: “Khi bệnh nhân bị bỏng tìm đến, tôi phải rửa sạch vết thương, sau đó giã các loại lá cho nhuyễn và đắp quanh vết bỏng rồi băng lại. Mỗi ngày, tôi lại tiến hành thay băng cho bệnh nhân một lần. Trong quá trình này, tôi phải quan sát mức độ “cắn” thuốc của vết bỏng mà thêm hay giảm đi liều lượng thuốc”. Mấy năm gần đây, để tiện cho bệnh nhân ở xa đi lại, ông lại cặm cụi tìm cách chưng cất các loại lá thuốc thành cao. Thời gian điều trị, nếu vừa dùng lá vừa dùng cao đắp lên, vết bỏng sẽ nhanh khỏi gấp nhiều lần.
Cách trị bệnh nghe có vẻ đơn giản, nhưng ông Dũng khẳng định là sự đúc kết qua nhiều đời tổ tiên và chính bản thân ông nghiên cứu. Theo ông, khi bị bỏng, vùng bị thương trở nên rất nóng và đau rát. “Lúc này, nguyên lý quan trọng nhất là phải làm mát vùng bỏng để cơn đau dịu lại. Tùy từng trường hợp, tôi lại phải dùng các loại lá phù hợp. Hơn nữa, các loại lá sử dụng cũng phải đảm bảo tác dụng sát khuẩn, kích thích quá trình tái tạo tế bào. Với những vết bỏng tổn thương ở vùng da, thịt (độ I, II, III) chỉ cần 15 đến 20 ngày là có thể khỏi hẳn. Nếu bỏng sâu đến gân, xương (độ IV,V) thì cũng phải mất 1 đến 2 tháng mới có thể lành lặn lại được”.
Sau khi kết thúc việc đắp thuốc lá điều trị, ông Dũng cũng cảnh báo bệnh nhân: “Để vết bỏng lành lặn hoàn toàn là điều vô cùng khó. Sau khi dùng thuốc của tôi đắp lên, người bệnh cần tự giác kiêng một số thức ăn tanh, nóng như: trứng, cua, ốc, tôm, thịt chó, cơm nếp… Nếu trong quá trình tái tạo tế bào da, người bệnh ăn, các thức ăn trên sẽ làm hình thành những mảng loang lổ màu trắng và nhăn nheo trên bề mặt da. Còn cơm nếp sẽ làm cho vết thương mưng mủ, lan rộng và lâu lành hơn”, ông Dũng cho biết.
Chữa bệnh cứu người không màng danh lợi
Với bài thuốc chữa bỏng gia truyền, cùng tâm nguyện làm phúc cứu người, hơn 20 năm qua, ông đã chữa khỏi cho hàng ngàn nạn nhân bị tai nạn bỏng mà không đòi hỏi một đồng tiền nào. Thậm chí với những ca bệnh nặng, ông còn đón đến tận nhà để tiện bề chữa trị. “Người bị bỏng khắp nơi đến bốc thuốc, người đến tận nhà tôi ở cũng không ít, người ở xa tôi gửi thuốc đi cũng có, tính sơ sơ cũng lên đến cả ngàn người. Tôi chẳng ghi chép tên tuổi, địa chỉ bao giờ. Mình trị bệnh giúp họ làm phúc, có mong báo đáp gì đâu mà phải lưu lại”, ông Dũng tâm sự.
|
Một trong những cây thuốc chữa bỏng của ông Dũng.
|
Tiếng lành đồn xa, căn nhà đơn sơ của ông lúc nào cũng có người ra người vào tấp nập. Nhiều bệnh nhân bỏng từ Phú Thọ, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Nghệ An… cũng về đây nhờ ông chữa trị. Còn với những người dân trong địa phương, thì chuyện đến “gõ cửa” ông khi chẳng may bị bỏng đã là… chuyện thường ngày. Mỗi lần khỏi vết thương, vì ông quyết không nhận tiền, họ lại mang khi chục trứng, lúc mớ rau đến “hậu tạ” gọi là chút tấm lòng.
Nhắc đến “thần y” với bài thuốc chữa bỏng, người dân ở miền rừng núi này vẫn nhớ như in câu chuyện về cháu Bùi Văn Tùng (7 tuổi) không may bị ngã vào nồi nước sôi. Sau tai nạn, cháu bị bỏng toàn bộ vùng từ bụng trở xuống. Nhà vốn nghèo, bố mẹ cháu không lo được khoản tiền để đưa cháu vào bệnh viện chữa chạy. Biết ở xã mình có ông Dũng chữa bệnh bỏng, gia đình không kịp nghĩ ngợi nhiều, lập tức đưa đến nhờ ông Dũng chữa trị. “Lúc ấy, người cháu nóng như hòn than, da đỏ xám, đau đớn quằn quại cứ khóc thét lên. Thế mà bác Dũng bôi thuốc vào một lúc thì cháu nín hẳn”, anh Tấn bố cháu Tùng nhớ lại.
Ca bệnh gần đây nhất của ông là anh Bùi Văn Hải (30 tuổi, người xã Dũng Phong, huyện Cao Phong). Trong lúc đang gánh thùng nhựa đường nóng chảy, anh trượt chân ngã khiến cả thùng nhựa đường loang ra làm cả vùng chân, vùng bụng của anh bị bỏng nặng. Dù được sơ cứu, nhưng suốt mấy tiếng đồng hồ sau đó, anh Hải vẫn đau đớn đến ngất lịm đi. Hốt hoảng, người nhà vội đưa anh Hải đến nhờ ông Dũng đắp thuốc chữa trị kịp thời. Nhờ lại ca bệnh của con trai, mẹ anh Hải nói đầy biết ơn: “May mà gặp thầy gặp thuốc chứ nếu không, cháu nó cũng không bình phục một cách kỳ diệu như thế được”. Cuộc sống đạm bạc, ngày chỉ hai bữa cơm rau rừng, nên cũng như nhiều trường hợp khác, ông không lấy một đồng tiền điều trị của anh Hải. Cảm ân đức ấy, cứ đến ngày lễ tết, gia đình anh vẫn mang ít quà qua thăm hỏi.
Năm nay đã gần 60 tuổi, mỗi lúc chữa trị khỏi cho một người, lòng ông lại cảm thấy rất vui vẻ vì đã làm được việc có ích cho đời. “Mỗi một bệnh nhân lành bệnh, phục hồi sức khỏe trở về nhà trong niềm hân hoan vui sướng, lại khiến tôi rưng rưng xúc động. Thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, có động lực và tinh thần để chia sẻ với bệnh nhân nhiều hơn nữa…”, ông Dũng tâm sự.
Có lẽ cũng vì tâm niệm ấy, nên suốt hai thập kỷ làm thuốc cứu người, chưa một lần, ông đòi hỏi tiền bạc của những bệnh nhân mình điều trị. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân bị bỏng cũng tìm đến ông ngày một nhiều. Ông Bùi Văn Khuyến (Trưởng thôn Bãi Vệ 2, xã Dũng Phong) cho biết: “Phương thuốc chữa bỏng gia truyền của ông Dũng chúng tôi cũng không biết cụ thể là gì. Nhưng quả thật, nhiều năm qua, ông ấy đã tận tâm chữa lành cho rất nhiều người mà không đòi hỏi tiền bạc gì”. Thiết nghĩ, nếu đúng như những gì người dân và cả chính quyền địa phương khẳng định, thì cơ quan chức năng nên sớm về kiểm định chất lượng bài thuốc gia truyền của ông Dũng. Nếu quả thật, bài thuốc đạt hiệu quả tốt thì có thể nhân rộng, phổ biến đến đông đảo dư luận.
Nhiều vị thuốc ông Dũng sử dụng đã được chứng thực trong y văn
Trao đổi với PV báo GĐ&XH Cuối tuần về bài thuốc chữa bỏng của “thần y xứ Mường”, bác sỹ Đông y Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Bài thuốc chữa bỏng có các lá hương nhu, là ráy, lá tre, lá khế, lá rau lang, lá chuối… như vậy thì tôi chưa thấy bao giờ. Tuy nhiên cũng có rất nhiều các bài thuốc dân tộc, người ta có thể kết hợp để chữa bệnh mà chúng ta còn chưa khám phá hết. Hai loại lá rau lang và lá chuối thì chính xác là có tác dụng chữa bỏng. Còn lại, lá hương nhu, lá tre, lá ráy người ta thường dùng để xông cảm, lá khế có thể chữa một số bệnh ngoài da và chống nhiễm trùng. Trên thực tế, những loại lá trên cũng không có tác hại khi sử dụng”.
|
Hồ Phúc