Trong máu luôn có một lượng mỡ, lượng đường nhất định. Vì vậy, thuật ngữ y học không có bệnh máu nhiễm mỡ như dân gian thường nói mà chỉ có bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ.
ảnh minh họa
Tức là ở những người này, lượng mỡ (cholesterol) ở trong máu tăng cao, đặc biệt là các loại mỡ có hại cho cơ thể. Vậy có cách nào để điều hòa lượng cholesterol?
Người gầy mắc bệnh khá nhiều
Bình thường có một số loại mỡ thường gặp trong máu như cholesterol trọng lượng phân tử cao, cholesterol trọng lượng phân tử thấp, cholesterol toàn phần, beta lipoprotein, triglyceride... Các loại này tồn tại trong máu với một hàm lượng sinh lý cho phép tùy theo chủng tộc và phân bố địa lý. Khi cơ thể có lượng cholesterol trọng lượng phân tử thấp, có thể gây ra tình trạng viêm và xơ vữa thành động mạch. Đây là nguyên nhân gây tắc và vỡ mạch máu.
Không phải chỉ có người béo mới bị rối loạn chuyển hóa mỡ, nhiều người gầy cũng bị bệnh này. Tuy nhiên, tần suất ở người béo phì mắc bệnh cao hơn. Lứa tuổi hay bị rối loạn chuyển hóa mỡ nhiều nhất là trên 40 với nam và trên 50 với nữ.
Việc tiêu thụ nhiều mỡ và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao, đi kèm bia rượu sẽ làm cho cơ thể rơi vào tình trạng quá tải, nhất là những cơ quan giúp thải chất độc như gan, tụy… Từ đó gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ, gây xơ vữa động mạch; rối loạn chuyển hóa đường gây bệnh tiểu đường. Ngoài ra, nguyên nhân bệnh còn do môi trường sống, tình trạng căng thẳng quá mức của hệ thần kinh.
Biến chứng nguy hiểm
Bệnh gây ra biến chứng đáng sợ nhất là xơ vữa động mạch và cao huyết áp. Những biến chứng này, mỗi năm lấy đi sinh mạng hàng chục triệu người trên thế giới. Cho nên, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi sáu tháng là rất quan trọng, nhất là đối với những người trên 40 tuổi có các yếu tố nguy cơ cao như béo phì, ít vận động, hút thuốc lá…
Để điều trị có hiệu quả, cần phải hạn chế sử dụng các loại chất béo no để ngăn ngừa cholesterol ngoại sinh (tuy lượng này chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng chất béo trong cơ thể, 90% là do gan tổng hợp). Đồng thời, nên tăng cường vận động để làm tăng lượng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu. Tăng vận động cũng làm giảm đường huyết, ngăn ngừa rối loạn chuyển hóa mỡ.
Người bệnh cần sử dụng có kiểm soát các loại thuốc làm giảm mỡ trong máu. Việc này phải được theo dõi của bác sĩ chuyên khoa, vì mỗi loại mỡ tăng và tùy theo chức năng gan của bệnh nhân mà thầy thuốc sẽ cho dùng thuốc khác nhau. Đề phòng bệnh này đơn giản nhất là chống béo phì, hạn chế ăn chất béo bão hòa, tăng cường thể dục, phòng chống tốt các bệnh do rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, gout…