Ông Nguyễn Văn Lê, sinh năm 1932, trú tại thôn Cua Chu, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) là đời thứ 3 được truyền lại bài thuốc Nam chữa bệnh dạ dày từ bà nội vốn là người Hòa Bình. 50 năm trong nghề và 10 năm liền được nhân dân tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Đông y của xã, ông Lê luôn tận tâm với nghề và nhiệt tình trong việc chữa bệnh giúp người, giúp đời nên được mọi người thường gọi ông là “Đức ông trên núi Tản”.
Ông Lê bên cây dạ cầm.
Bài thuốc Nam 3 đời
Tiếp chúng tôi là một người có vẻ ngoài hiền lành, đức độ, mái tóc bạc trắng. Dù đã vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trông ông vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Cùng với lời nói từ tốn, mến khách, ông mời chúng tôi vào nhà. Lúc này, chúng tôi cũng hiểu được một phần vì sao ở địa phương ông được mọi người gọi là “Đức ông trên núi Tản”.
Sau khi mời khách vào nhà, ông Lê ôn tồn hỏi khách tìm đến có việc gì? Tôi nói: “Chúng tôi không phải là bệnh nhân mà là phóng viên của Báo LĐ&ĐS chuyên tìm tòi và viết về những bài thuốc quý trong dân gian. Được mọi người giới thiệu nên muốn đến tận nơi để được “mắt thấy tai nghe” về ông lang bốc thuốc Nam giữa vùng núi Tản Viên”.
Nghe nói vậy, ông không hề giấu giếm bài thuốc gia truyền của gia đình mình mà khẳng định: “Từ đời nội tôi đến đời bố tôi, rồi bây giờ là tôi đã trải qua 3 đời làm nghề thuốc Nam nhưng luôn tâm niệm một điều là chữa bệnh, giúp người như để tu nhân, tích đức cho con, cho cháu chứ không lấy nghề làm việc kinh doanh. Có thế tôi mới được trời cho 7 người con (4 trai, 3 gái) với trên 20 cháu, chắt nội ngoại như thế này”. Theo chứng kiến của chúng tôi, cuộc sống hiện tại của gia đình ông không lấy gì làm khấm khá. Một ngôi nhà cấp 4 lợp ngói cũ, có lẽ cũng đã được xây dựng từ hàng chục năm trước, nơi đó có tới 3-4 thế hệ vẫn đang sinh sống.
Hơn 50 năm làm thuốc chữa bệnh, ông không thể nhớ hết được đã có bao nhiêu bệnh nhân ở mọi miền đất nước tới nhờ ông chữa bệnh. Có người ở Nghệ An, Hà Tĩnh, cũng có người ở Hải Phòng, Quảng Ninh, và có cả bệnh nhân bay từ TPHCM ra nhờ ông bốc thuốc. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân vẫn là bà con quanh vùng vốn đã nhiều năm nay biết đến danh tiếng của ông lang Lê. Qua trò chuyện được biết, ông Lê được truyền nghề từ bà nội là Bùi Thị Thau, người dân tộc Mường vùng Kim Bôi, Hòa Bình. Từ khi còn là con gái, bà đã biết lấy cây thuốc chữa bệnh cho mọi người. Khi lấy chồng về vùng núi Tản Lĩnh, thấy trên núi Tản có nhiều cây thuốc quý nên bà vẫn theo nghiệp bốc thuốc Nam chữa bệnh cho mọi người. Sau ngày bà mất, nghề thuốc Nam được truyền lại cho bố của ông Lê, rồi khi người bố qua đời thì nghề được truyền lại cho ông. “Thực ra, bà và bố tôi không chữa được tất cả các loại bệnh mà chỉ tập trung vào 4 loại bệnh chính là bệnh gan, thận, thấp khớp, và công hiệu nhất vẫn là bệnh dạ dày”, ông Lê tự hào khi nói về bài thuốc gia truyền của gia đình mình.
Phương thuốc đặc trị bệnh dạ dày
Theo ông Lê, việc chữa bệnh bằng cây thuốc Nam không giống như bốc thuốc Bắc hay thuốc tân dược. Người chữa bệnh thuốc Nam thường chữa cả bằng tâm linh và bằng cây thuốc. Theo cách ông giải thích tôi mới hiểu được thời gian trước đây khi tìm hiểu về các bài thuốc quý dân gian của đồng bào vùng cao, các thầy lang thường thờ thần rừng, thần cây, thần núi... để người bốc thuốc lấy được đúng cây thuốc chữa cho khỏi cái bệnh. Theo cách gọi của y học hiện đại thì đây chính là “liệu pháp tâm lý” giúp cho bệnh nhân có niềm tin vào thầy thuốc và phương pháp trị bệnh. Người bệnh cảm thấy an tâm là bệnh tật tự nhiên sẽ được đẩy lui một phần.
Bài thuốc chữa bệnh dạ dày của ông Lê có tới trên 10 vị thuốc như nghệ đen, lá côi... nhưng không thể thiếu cây dạ cẩm. Cây này có lá to và dày như lá đa nhưng mềm như nhung và có 2 mặt xanh, tím. Ông Lê cho biết, cây dạ cẩm này với 2 mặt khác nhau, dẻo, mềm giống như cấu tạo của dạ dày con người. Trong thang thuốc, cây dạ cẩm giữ vai trò chính trong việc chữa bệnh. Cho dù là bệnh mới phát hiện, cho tới những người bệnh đã nặng chuyển sang viêm loét cũng chỉ uống thuốc theo chỉ dẫn của ông trong khoảng 2 tháng là sẽ khỏi bệnh. Mỗi thang thuốc uống trong 3 ngày, mỗi ngày 3 lần sắc uống. Sáng, trưa, tối trước hoặc sau bữa ăn khoảng 1 tiếng. Mỗi lần sắc uống đổ 3 bát nước đun cạn còn chừng 1 bát.
Không chỉ dựa vào bài thuốc Nam gia truyền 3 đời, ông Lê còn mua nhiều sách vở về nghiên cứu thêm. Trong tủ của ông có đầy đủ các bộ sách thuốc của danh y Hải Thượng Lãn Ông hay bộ sách của thầy thuốc Đỗ Tất Lê. Điều đáng ngạc nghiên là sau khi nghiên cứu, ông thấy những vị thuốc trong bài thuốc của gia đình ông có rất nhiều điểm tương đồng với các bậc danh y trước đây. Cũng từ đây, ông bổ sung thêm những khiếm khuyết trong bài thuốc của mình. Sau hơn 50 năm làm nghề bốc thuốc Nam, đến nay có thể khẳng định bài thuốc của ông Lê hoàn toàn dùng các loại thảo dược trên vùng núi Tản Viên, Ba Vì. Một số cây quý hiếm như lá côi, dạ cẩm đã được ông đưa về nhà trồng, lưu giữ. Đến nhà ông thấy trong vường rặt những cây thuốc rồi hàng chục loài chim hót líu lo cùng với cuộc sống thư thái, tự tại của vị danh y cũng đủ làm cho bệnh nhân thấy người khỏe ra và như đang được “tiên ông” trên núi Tản Viên ra tay cứu giúp vậy.
Ông bảo cuộc đời ông đã chữa nhiều người khỏi bệnh nên không nhớ hết. Bệnh nặng nhất mà ông nhớ được là anh Triệu Văn Bảng, người cùng xã bị bệnh viêm loét dạ dày, đã phải phẫu thuật cắt 2/3. Trở về, mỗi bữa ăn chỉ ăn được nắm cơm bằng quả cau, nhưng rồi không kiêng cữ được nên bệnh tái phát, đưa ra bệnh viện các bác sỹ cho về vì lý do… chẳng còn để mà cắt nữa. Lúc này gia đình anh Bảng mới “còn nước còn tát” đến nhờ ông cắt thuốc, sau 2 tháng miệt mài uống thuốc, sức khỏe anh Bảng dần ổn định, những cơn đau dạ dày cũng tan biến, đi kiểm tra lại ở bệnh viện thì bệnh đã khỏi hẳn. Đến nay mỗi dịp nhà ông Lê có công có việc gì là cả gia đình anh Bảng lên phụ giúp như con cháu trong nhà.
Do tuổi cao nên ông Lê cũng đang truyền lại nghề lại cho người con trai cả là anh Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1960. “Dù tôi vẫn còn đủ sức khỏe, minh mẫn để bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người nhưng cũng chẳng biết sống chết khi nào nên cũng phải truyền lại cho các con. Tôi vẫn luôn dặn dò các con, nghề bốc thuốc là giúp đời, cứu người, phải lấy cái tâm, cái đức để chữa bệnh, không được vụ lợi vật chất, tiền bạc”, ông Lê bảo.
Ông Lý Văn Nguyên – Trạm trưởng Trạm y tế xã Tản Lĩnh cho biết: “Ông Nguyễn Văn Lê là một trong những người tiên phong trong phong trào dùng cây thuốc Nam để chữa bệnh ở địa phương. Ông từng 10 năm làm Hội trưởng Hội Đông y của xã và với bài thuốc gia truyền 3 đời, nhất là bài thuốc đặc trị bệnh dạ dày đã giúp cho nhiều bệnh nhân khỏi bệnh. Có thể khẳng định bài thuốc Nam của gia đình ông Lê là một trong những bài thuốc quý dân gian cần được giới thiệu để nhiều người có cơ hội được chữa bệnh, nhất là với người dân nghèo”.