Trong Đông y, ăn uống là bản sắc văn hóa, ăn uống thế nào để giữ gìn sức khoẻ, không gây ra bệnh tật... là điều cần lưu ý.
Khi ăn uống, cơ thể biến thức ăn thành ngũ sắc, ngũ vị, ngũ khí để nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng.
Ăn theo tạng cơ thể
Theo Đông y, mỗi cá thể người có âm, dương riêng biệt. Vì âm - dương riêng biệt, nên hàn - nhiệt trong cơ thể cũng khác nhau, vì lẽ đó mà ăn uống cũng không giống nhau.
Hằng ngày khi ăn uống, cơ thể biến thức ăn thành ngũ sắc, ngũ vị, ngũ khí để nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng. Nhưng vì âm - dương khác nhau, hàn - nhiệt khác nhau, nên ăn uống cũng phải khác nhau để cơ thể dễ hấp thụ và tiêu hóa.
Đối với những người thuộc thể nhiệt, nên ăn thức ăn mát (như hàu, hến, lươn, ốc, bột sắn dây, dưa hấu...) nhiều hơn nóng. Nếu ăn uống nóng nhiều thì dễ tích nhiệt, làm cho cơ thể càng nóng mà sinh ngứa, mụn nhọt...).
Đối với cơ thể thuộc hàn thì nên ăn nhiều thức ăn ấm, nóng, không nên ăn những thức ăn mát lạnh nhiều bởi dễ sinh đầy bụng, trướng hơi, đi lỏng, ho suyễn... Cũng có người cơ thể thuộc ôn. Kiểu người này thì có thể ăn lạnh hay nóng đều được.
Việc ăn uống cũng cần có giới hạn. Không nên ăn uống quá no, quá đói. Cố gắng ăn uống đúng giờ thì âm dương, khí huyết được điều hòa, cơ thể khoẻ mạnh, trí tuệ minh mẫn, kết hợp với môi trường sống, cách sống, cách sinh hoạt... thì tuổi thọ sẽ kéo dài dễ đến trăm tuổi.
Uống rượu, bia vừa phải
Khi uống rượu, bia, nếu gan nóng (can hỏa) không hấp thụ và đào thải được rượu thì uống rượu vào thấy nóng, đỏ mặt, mệt mỏi, dễ dẫn đến xơ gan, hoặc ung thư gan. Uống rượu vào mà tim hồi hộp, đầu choáng váng, là do tâm hỏa vượng, huyết nhiệt, nếu uống tiếp sẽ dẫn đến huyết áp cao. Nếu người thận âm kém mà uống rượu sẽ làm tổn thương con giống dẫn đến vô sinh.
Phụ nữ vốn lấy huyết làm chủ, nếu uống rượu sau một thời gian sẽ làm huyết nhiệt, da xấu đi, gan nóng lên, chóng già. Nhưng trong Đông y, rượu lại là một vị thuốc, dùng để làm dung môi dẫn các vị thuốc khác vào kinh lạc, phủ tạng để chữa bệnh. Rượu cũng là chất làm khí huyết lưu thông. Nếu cơ thể không thuộc tạng nhiệt, gan không nóng, tâm không hỏa, huyết không nhiệt, thận âm không kém, thì có thể uống rượu. Nhưng vấn đề là uống rượu vào lúc nào, lượng bao nhiêu thì vừa phải?
Theo Đông y, không uống rượu, bia vào buổi sáng, vì buổi sáng nam giới dương khí đang vượng, nếu uống rượu vào làm tản dương khí, dễ sinh bệnh, hoặc chóng già. Nên uống rượu vào buổi tối. Nếu là rượu thuốc thì uống khoảng 30ml trước khi ăn tối, theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu rượu nặng độ thì vừa ăn, vừa uống khoảng 20ml là vừa. Với cha ông ta ngày trước, uống rượu là cả một nếp văn hóa, mỗi lần uống không quá 3 chén hạt mít, khoảng 15ml (nhất dạ tam bôi tửu) là ý nghĩa như vậy. Không uống quá chén, mục đích để lưu thông khí huyết. Nếu bia chỉ nên uống 300ml là đủ.