Thủy tinh nhân tạo của Mỹ (màu xanh) và thủy tinh nhân tạo Ấn Độ (màu vàng)
Đánh tráo nhân thủy tinh thể?
Theo đơn phản ánh của BS Nguyễn Thị Thu Thủy, BV Mắt Hà Nội, những bệnh nhân cần phẫu thuật thủy tinh thể bằng phương pháp Faco tại bệnh viện Mắt Hà Nội thường được tư vấn lựa chọn loại nhân thủy tinh thể IQ Alcon mềm của Mỹ. Lựa chọn nhân thủy tinh thể này, mức tiền trọn gói người bệnh phải chi trả là 6.500.000đ (với bệnh nhân không có BHYT).
Tuy nhiên, người bệnh đóng tiền cho chất liệu của Mỹ, trên hóa đơn thu tiền của người bệnh đều ghi rõ thể thủy tinh nhân tạo IQ của hãng Alcon (Mỹ) nhưng trên thực tế trong lúc mổ đã bị tráo sang nhân HOYA và Focus của hãng khác, với chi phí rẻ và chất lượng kém hơn.
Người tố cáo ước tính, trong năm 2011, BV Mắt Hà Nội đã tiến hành mổ khoảng 3.000 ca thay thủ tinh thể với chi phí là 6,5 triệu đồng/ca mổ (với nhân thủy tinh thể và dịch nhầy của Mỹ), trong đó có khoảng 800 ca thay thủy tinh thể tại BV Mắt Hà Nội đã bị đánh tráo nhân thủy tinh thể với hành vi như trên.
Theo bà Thủy, không chỉ có hiện tượng đánh tráo nhân thủy tinh thể mà dịch nhầy sử dụng trong phẫu thuật cũng bị đánh tráo. Theo đó, từ dịch nhầy Douvis của Mỹ (600.000 đồng/01 hộp) bệnh nhân đã bị đánh tráo sang dịch nhầy Ấn Độ (chỉ có giá 245.000 đồng/1 hộp) và một hộp dịch nhầy được "tận dụng" dùng cho 4 - 5 bệnh nhân.
Kết luận của Sở Y tế Hà Nội về vụ việc
Sai sót chuyên môn!
Chiều 27/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc tố cáo BV Mắt Hà Nội có hiện tượng lập lờ đánh tráo nhân thủy tinh thể không phải là mới mà là sự việc đã diễn ra từ 2 năm trước. Thanh tra Sở y tế đã vào cuộc và đã có kết luận về vụ việc và báo cáo Thành Ủy Hà Nội.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội kết luận, qua thanh tra cho thấy có việc thay đổi thủy tinh thể cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật và theo chỉ định chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật viên chính. Bệnh viện lưu ý sử dụng thủy tinh thể loại nào thì bác sĩ phải ghi vào bệnh án và thông báo cho người bệnh kết quả điều trị. Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định, chỉ định của phẫu thuật viên chọn nhân thủy tinh thể cho phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy chế chuyên môn.
Ban giám đốc BV Mắt Hà Nội cũng khẳng định, không có sự đánh tráo thủy tinh thể cho bệnh nhân. Bởi trong quá trình phẫu thuật, nếu thủy tinh thể mà bệnh nhân đã chọn không phù hợp, phẫu thuật viên sẽ tư vấn để bệnh nhân đổi sang nhân thủy tinh thể của một hãng khác. Nếu thay loại nhân đắt tiền hơn, bệnh nhân phải đóng thêm tiền, còn nếu thay loại nhân ít tiền hơn, bệnh nhân sẽ được trả lại phần thừa. Điều này đều được hiển thị rõ ở hóa đơn thanh toán viện phí. Sau khi thay đổi nhân thủy tinh thể, mác của loại nhân thay cho bệnh nhân đều được dán trên hồ sơ bệnh án chứ hoàn toàn không có chuyện đánh tráo nhân kém chất lượng cho người bệnh.
Hơn nữa, cả ba loại nhân thủy tinh thể IQ Acol của Mỹ và hai loại HOYA, FOCUS đều cùng chất liệu, đồng giá và được dán giá công khai tại BV. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ có một con dấu thủy tinh thể IQ của Mỹ (thủy tinh thể của Nhật và Pháp trúng thầu sau nên chưa có con dấu), vì thế nên bộ phận thu tiền dùng chung dấu thủy tinh thể của Mỹ cho tất cả 3 loại thủy tinh thể này. Bệnh viện cũng khẳng định khi bác sỹ dùng loại thủy tinh thể nào trong thực tế thì trong bệnh án của bệnh nhân đó đều được dán tem, nhãn cụ thể của loại tinh thể đó.
Giải đáp những bức xúc của chị Thủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, bản thân ông đã rất nhiều lần nhận được đơn phản ánh những vấn đề liên quan đến bệnh viện mắt Hà Nội và yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Và vụ việc đã được thanh tra ngành y tế đưa ra kết luận nhưng đến nay chị Thủy không đồng tình với kết quả đó.
“Thanh tra kết luận rồi nhưng chị Thủy không đồng ý do vậy vào lúc này không biết nói ai đúng ai sai. Nếu chị Thủy vẫn không đồng ý kết luận của Sở Y tế thì sắp tới tôi sẽ chỉ đạo thanh tra liên ngành vào cuộc để đảm bảo tính khách quan”, ông Nghị nói.
Nhóm phóng viên