Theo BS Nguyễn Thị Hoa (Trưởng khoa Dinh dưỡng - BV Nhi đồng 1), ăn khoảng 20g thịt heo đã bằng 2 quả trứng lộn.
Trẻ chỉ nên ăn nhiều nhất 1 quả trứng vịt lộn một ngày (ảnh minh họa)
Độc giả Thùy Chi bày tỏ sự lo lắng khi nghe người bạn nói “ăn trứng vịt lộn có thể gây vàng da”. Cu Bo – con của mẹ Thùy Chi đã lên 3 tuổi, cân nặng 11kg thế nhưng mắc bệnh lười ăn. Mặc dù lười ăn cơm nhưng lại có thể ăn một lúc 3-4 quả vịt lộn.
Thêm nữa Bo còn kén lắm, dù có đổi bao nhiêu món ăn, chuẩn bị đủ các loại sơn hào hải vị, cậu chàng cũng dứt khoát không ăn. Có hôm còn ngậm cơm, mẹ quát thì phun phì phì ra ngoài.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa (Trưởng khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Không có chuyện ăn vịt lộn gây vàng da như nhiều người nói. Trong vịt lộn có chứa chất đạm, nếu ăn 3-4 quả một lúc là nhiều quá, ăn thức ăn nào nhiều quá cũng không tốt”.
Lý giải về sư lo lắng ăn nhiều trứng vịt lộn làm cho vitamin A dư thừa ảnh hưởng đến gan gây vàng da, bác sĩ Hoa nói: "Không có chuyện vitamin A trong thức ăn dư thừa gây vàng da. Chỉ có chất betacaroten trong thực phẩm màu cam như bí đỏ, cà rốt, đu đủ… khi ăn quá nhiều mới có thể gây vàng da.
Phụ huynh có con 3 tuổi với 11kg nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để có chết độ dinh dưỡng, cân đối thức ăn hợp lý. “Ngoài việc ăn vịt lộn thì phụ huynh nên cân đối bữa ăn để đảm bảo sự phát triển của trẻ’", bác sĩ Hoa nhấn mạnh.
Theo đó, với trẻ 3 tuổi, mỗi ngày ăn 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Trong đó, bữa phụ có thể ăn sữa chua, bánh flan, uống sữa. Còn 3 bữa chính có thể ăn đa dạng cơm, mì, cháo... trong bữa chính ăn 20g thịt heo đã bằng với 1 quả trứng vịt lộn.Tuy nhiên, tránh cho ăn vặt hoặc uống nước ngọt.
Bác sĩ Hoa nói thêm: “Ăn 3-4 quả trứng vịt lộn một lúc là đưa nhiều đạm vào cơ thể, làm trẻ bị ngán và vốn đã biếng ăn lại càng biếng ăn. Vì vậy, chỉ nên cho trẻ ăn 1 quả trứng vịt lộn/ngày”.
Một số bác sĩ khác cho rằng, lười ăn không chỉ là vấn đề của con bạn mà nhiều gia đình cũng đau đầu với chuyện này. Nguyên nhân biếng ăn có thể do tự thân đứa trẻ không thích ăn, hậu quả sau khi mắc bệnh về tiêu hóa hoặc rối loạn hấp thu.
Cho nên phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc cho con ăn theo giờ cố định. Trước khi ăn, không cho con ăn đồ ngọt hay nước có ga, cần thay đổi món ăn cho phù hợp với khẩu vị. Như vậy mới có thể cải thiện được tình trạng lười ăn của trẻ.
Nếu tình trạng trẻ biếng ăn quá mức, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể thì nên tìm đến Viện dinh dưỡng hoặc trung tâm tư vấn dinh dưỡng để được thăm khám và nhận được chỉ định của bác sĩ