Ho được xem là mạn tính khi thời gian mắc bệnh kéo dài trên tám tuần. Bệnh xảy ra trên mọi người, trong đó có khoảng 40% người không hút thuốc lá vẫn mắc chứng ho mạn tính.
Khi sổ mũi, khó thở hoặc ợ nóng có vị chua trong miệng là những dấu hiệu đầu tiên dễ nhận thấy ở ho mạn tính.
Triệu chứng ho mạn tính thường kéo dài tới sáu tháng. Có gần 40% người mắc chứng ho mạn tính sau đó có biểu hiện của bệnh hen, khoảng 10% mắc bệnh mạn tính về đường hô hấp trên như viêm mũi họng và khoảng 10% mắc các bệnh lý về phổi. Đặc biệt, có đến 9% mắc bệnh trào ngược dạ dày. Đây là chứng bệnh hiện nay rất thường gặp nhưng ít được quan tâm, nhất là ở người uống rượu bia, người có bệnh lý về dạ dày - tá tràng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ho mạn tính nhưng thường gặp nhất là những nguyên nhân sau:
Hen và dị ứng
Hen là một bệnh mạn tính ở phế quản phổi làm cho đường thông khí bị tắc nghẽn do phì đại niêm mạc. Hen phế quản biểu hiện với các triệu chứng như hắt hơi, khó thở, tức ngực, đặc biệt ho là dấu hiệu rất thường gặp, nhất là vào ban đêm hoặc sáng sớm sau khi ngủ. Hen phế quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân như thay đổi thời tiết, hút thuốc lá, các tác nhân gây bệnh có trong không khí như bụi, nấm mốc… Các loại thực phẩm cũng có thể thúc đẩy cơn hen bùng phát. Gắng sức trong luyện tập thể thao cũng có thể gây nên hen phế quản. Ngay cả những người khỏe mạnh không mắc bệnh hen nhưng hít thở không khí có chứa phấn hoa, bụi bẩn cũng có thể mắc bệnh viêm mũi dị ứng.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có tên khoa học là Gastroesophageal replux discase (gọi tắt là GERD). Bệnh xảy ra do chất dịch từ dạ dày chảy ngược vào thực quản, do đó acid của dịch vị có trong dạ dày làm tổn thương niêm mạc thực quản và gây ho. Đây là căn bệnh dễ nhầm với các bệnh tai mũi họng, tim mạch. Triệu chứng thường gặp là ho sau khi có dấu hiệu ợ chua. Bệnh thường xảy ra ở người hút thuốc lá, người mắc bệnh dạ dày tá tràng, người béo phì, người mắc bệnh đái tháo đường.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Do tình trạng tắc nghẽn đường dẫn không khí trong phổi mạn tính và gây ra triệu chứng khó thở nên được gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). COPD là sát thủ vô hình bởi nó phát triển âm thầm, không có dấu hiệu nhận biết cho đến khi chuyển sang giai đoạn nặng với những triệu chứng khó thở, ho khạc đờm kéo dài. Bệnh xảy ra ở độ tuổi trên 45 và thường gặp ở người hút thuốc lá.
Bệnh nhiễm trùng hô hấp
Ho là một trong số những dấu hiệu thường gặp của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây nên. Thường đi kèm theo triệu chứng ho là những dấu hiệu nhức đầu, sổ mũi, sốt... Tuy nhiên, viêm phổi là một trong những bệnh lý nguy hiểm của bệnh nhiễm trùng hô hấp, cần hết sức quan tâm chú ý khi thấy người bệnh lúc đầu ho khan về sau ho khạc đờm xanh kèm theo sốt, đau ngực, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn. Những người mắc bệnh COPD thường dễ mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, cần đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Viêm phế quản cấp
Cũng là căn bệnh gây nên triệu chứng ho kéo dài nếu điều trị không đúng phương pháp vì nguyên nhân gây bệnh phần lớn là do virus. Ở bệnh này, niêm mạc của phế quản bị viêm, phù nề kích thích tạo ra những cơn ho khan, về sau ho có đờm.
Ô nhiễm không khí
Trong sinh hoạt hít thở thì không khí có vai trò rất lớn. Do đó, nếu không khí bị ô nhiễm, chứa nhiều chất bụi bẩn như các loại hóa chất độc hại, khói, hơi độc khí thải của các loại phương tiện giao thông... thì sẽ là tác nhân chính gây nên gây dị ứng và làm cho cơn hen phế quản bùng phát ở những người có tiền căn hen phế quản.
Dùng các loại thuốc ức chế men chuyển
Đây là nhóm thuốc dùng để điều trị bệnh tim và bệnh cao huyết áp. Chúng có tác dụng không mong muốn ở người sử dụng là ho khan. Nếu không phát hiện được nguyên nhân này thì ho sẽ kéo dài. Tuy nhiên, nếu ngưng thì cơn ho sẽ giảm và chấm dứt sau vài ngày ngưng thuốc.
Khi có triệu chứng ho, người bệnh cần hết sức bình tĩnh đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Hãy kể cho bác sĩ nghe tất cả những gì xảy ra để được chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp. Người bệnh không nên hoang mang chạy chữa theo kinh nghiệm dân gian và cũng không nên quá thờ ơ. Bởi nếu thế thì ho mạn tính sẽ trở thành căn bệnh khó chữa do phát hiện muộn.