Có cần đeo kính cận thường xuyên?
Việc đeo kính phụ thuộc vào tầm nhìn của bạn, nếu tầm nhìn của bạn bị ảnh hưởng (bị giảm) thì nên đeo kính để thấy rõ hơn và giúp mắt không phải làm việc quá nhiều.
Nhiều người nghĩ rằng, chỉ khi nhìn xa mới dùng kính, trong lớp học khi nhìn vào vở thì bỏ kính ra còn nhìn lên bảng thì đeo kính vào? Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn đúng, mặc dù một vài bác sỹ vẫn khuyên bệnh nhân như vậy.
Thực tế, mắt cận thị muốn nhìn rõ được vật thì phải đưa lại gần sát mắt, gần hơn nhiều so với người bình thường, đặc biệt khi cận thị trung bình và nặng. Đeo kính cận thường xuyên giúp chức năng nhìn của mắt trở về gần như người bình thường, nhìn xa rõ mà nhìn gần cũng không phải đưa sát mắt. Tư thế này giúp hình thành một thói quen tốt trong tư thế học hành, tránh được hiện tượng tăng số kính quá nhanh do thói quen nhìn gần. Theo các bác sĩ chuyên khoa, thông thường trên 2 diop thì nhiều người đeo kính thường xuyên hơn.
Những thói quen xấu gây cận thị
- Nhìn gần liên tục không để mắt nghỉ ngơi.
- Học tập trong điều kiện ánh sáng thiếu.
- Đọc sách ở các tư thế không tốt: nằm đọc, đi tàu xe đọc…
- Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng.
Các dấu hiệu của trẻ bị cận thị
- Phải nhìn gần, cúi sát mắt vào sách vở, đứng sát vào khi xem ti vi.
- Hay nheo mắt để nhìn mọi vật, đặc biệt khi ánh sang yếu, liên tục như dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn.
- Trẻ kêu mắt nhìn mờ hoặc nhức mắt.
- Kết quả học tập sút kém, không thích các hoạt động nhìn xa như đá bong, đá cầu mà thích thú hơn với việc đọc truyện, xem phim, chơi game…
- Nếu cận thị nặng có thể bị lác mắt kèm theo.
Khi bị cận thị nặng cần phải được đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để xác định chính xác mức độ cận thị, loại cận thị, phát hiện và điều trị các tổn thương ở đáy mắt nếu có.
Các chuyên gia khuyến cáo, ở lứa tuổi học đường, mắt còn chịu tác động nhiều của các hoạt động nhìn gần và cấu trúc nhãn cầu còn nhiều thay đổi theo môi trường sống do vậy vẫn xảy ra hiện tượng tăng số kính. Tuy nhiên, việc bố trí thời lượng học tập và vui chơi giải trí sẽ giúp mắt được thư giãn, tránh được hiện tượng tăng số kính quá nhanh. Quan trọng nhất là tạo thói quen đừng nhìn gần quá và để mắt thường xuyên đượcnhìn xa. Hãy bố trí cho các cháu nhỏ một không gian sống và vui chơi thật thoáng mát và rộng rãi. Thỉnh thoảng uống một ít thuốc bổ mắt cũng tốt, tuy nhiên đừng quá lạm dụng không cần thiết.
Thực phẩm bổ mắt
Trứng: Lòng đỏ trứng là nguồn cung cấp dồi dào lutein, zeaxanthin, và kẽm - những chất giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng (macular degeneration) ở mắt.
Rau lá xanh: Những loại rau xanh này chứa nhiều lutein và zeaxanthin, các chất chống oxy hóa và theo các nghiên cứu cho thấy, chúng giúp giảm nguy cơ phát triển thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thế ở mắt.
Quả mọng: Các loại trái cây này rất giàu vitamin C - loại vitamin vốn đã được chứng minh có tác dụng giảm nguy cơ phát triển thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể ở mắt.
Cá béo: Cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá cơm… đều rất giàu DHA, một loại axit béo được tìm thấy ở võng mạc mắt. Và hàm lượng axit này thấp có liên quan đến hội chứng khô mắt.
|