Suy sụp vì chia tay người yêu, nghe nói tập thiền có thể giúp tinh thần tĩnh tại, Xuân lên mạng tìm hiểu, tải nhạc thiền về nhà tự luyện. Nhưng được vài phút chị lại thấy trán nóng lên, đỉnh đầu đau nhói.
Một lớp thiền yoga tại Cầu Giấy, Hà Nội.
"Tôi làm y hệt hướng dẫn trên mạng, ngồi thả lỏng, tập trung hơi thở và nghe nhạc thiền, mắt nhắm lại. Nhưng càng cố tập trung thì đầu càng đau đầu, phải mở mắt ra đi làm việc khác mới đỡ", Xuân, 29 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) kể.
Nghĩ là mới tập chưa quen nên đau, chị Xuân vẫn kiên trì mỗi ngày hai lần sáng, tối ngồi thiền. Nhưng mức độ đau đầu, mệt mỏi càng ngày tăng khiến chị phải ngừng lại và nghĩ "chắc mình không hợp với thiền".
Chị Nhàn, 40 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) cũng tìm đến với thiền để mong dịu bớt nỗi đau khổ, ám ảnh trong lòng vì chuyện chồng ngoại tình. Trong ngõ chị ở, nhiều ông bà về hưu tổ chức câu lạc bộ tập môn này. Trong lòng nhiều ưu phiền, lại còn trẻ, chị ngại không muốn tham gia cùng mọi người, chỉ hỏi sơ cách tập, rồi tìm đến một ngôi chùa gần nhà để ngồi tĩnh tại. Mỗi ngày, chị dành vài giờ ngồi yên lặng, muốn quên hết mọi ưu phiền.
Khoảng 10 ngày sau, người nhà thấy chị bơ phờ, lại hay nói lảm nhảm một mình, không ai hiểu gì. Mọi người phải đưa chị vào bệnh viện tâm thần điều trị.
Ông Hoàng Dương Bình, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (Hà Nội), người từng tập thiền lâu năm và áp dụng phương pháp này vào trị liệu tâm lý, cho biết thiền là một liệu pháp, một phương tiện nâng cao sức khỏe, cân bằng thân tâm. Thông qua thiền đúng cách, người tập nhận biết bản chất thật của mình và bản chất của cuộc sống. Đây chính là nền tảng của sức khỏe, sáng suốt, và may mắn. Điều đặc biệt thông qua thiền đúng cách, cảm thức nhân ái, yêu thương, vị tha, bao dung xuất hiện trong lòng.
Tuy nhiên, nếu tập thiền không đúng cách có thể dẫn đến đau đầu, mất ngủ, các rối loạn tâm thần, cá biệt có thể bị tẩu hỏa nhập ma - một trạng thái đảo cực năng lượng trong cơ thể. Trường hợp đó thường rơi vào người tập khi không có kiến thức, hoặc không có thầy hướng dẫn, hỗ trợ. Ngoài ra, có thể do người tập đặt vấn đề không hài hòa, chẳng hạn khi thiền nhẽ ra cần tâm định thì người ta lại dùng trí định, trong thiền cần trống rỗng thì lại tập trung suy nghĩ.
Ngoài ra, theo ông Bình, thiền không đúng cách còn làm đảo lộn các “trật tự tạm thời” của hệ thống năng lượng trong các kinh mạch, trung tâm năng lượng cơ bản. Nó giống như một đống sách trong kho lâu ngày đầy bụi bẩn, nếu có hiểu biết, bạn rút từng quyển từ trên xuống dưới, bụi bay ra ít, nhưng đây là bạn xới tung lên, cả đống sách đổ, và bạn có thể chết ngạt vì bụi.
"Nó cũng như khi bạn có cá tính ngạo mạn song lại ngộ nhận mình là người đặc biệt và hiểu biết, hệ quả sớm muộn bạn sẽ thất bại trong kinh doanh và gia đình, đồng thời rối loạn tâm thần. Khi tập thiền đúng cách, bạn nhìn được bản chất của tính ngạo mạn thì sẽ khỏi. Nhưng thay vào đó, bạn cứ nghĩ suy nhược, thất bại trên là do bạn hết tiền, do lỗi người khác và bạn thiền mục đích kiếm tiền giỏi hơn, để tư lợi thì có thể bạn càng rơi vào rối loạn thần kinh nặng hơn, đó cũng là thiền không đúng cách", ông Bình đưa dẫn chứng.
Theo ông, bất cứ ai muốn tập thiền đều được, không có chuyện hợp hay không, nhưng cần chọn thầy giỏi, tâm sáng, đôn hậu để chỉ giúp và kiểm tra kết quả. Khi tập thiền, nên hướng về kiến thức chuyển hóa tâm tính, nhờ đó mà đả thông kinh mạch, minh mẫn khỏe mạnh, yêu thương. Ngược lại tránh đặt ra các ham muốn trong thiền để giỏi hơn, giầu hơn, có quyền năng mà gây ra sự rối loạn khí lực, làm các kênh năng lượng bị đảo cực, gây hoa mắt, bức bối trong cơ thể và các dạng tâm thần.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc một trung tâm thiền - yoga tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, những người chưa tập thiền bao giờ thường có khả năng tập trung kém. Trong khi thực tế, khi thân tĩnh thì tâm càng động. Ngồi một chỗ, đầu óc người ta càng có xu hướng nghĩ đến nhiều thứ, lan man, bất tận. Nếu không có một điểm nào đó để hướng suy nghĩ đến, không có người dẫn dắt, người ta càng nghĩ lung tung, tưởng đang tĩnh lại hóa động, tâm trí loạn xạ, và nếu cứ tập kéo dài sẽ dẫn đến nhức đầu, căng thẳng. Ngồi thiền khi chưa biết điều tiết hơi thở càng nguy hiểm. Nếu tiếp tục tự tập, tập lâu còn mang bệnh.
Ông Tuấn từng gặp nhiều trường hợp mới tập thiền cứ ngồi tập là đau đầu hoặc buồn ngủ rũ hay những người có vấn đề về xương khớp, cổ lưng, khi tập lại càng thấy căng, đau thêm. "Nếu có người hướng dẫn hiểu biết sẽ có cách giúp người mới tập khắc phục tình trạng đó, ngược lại vấn đề có thể sẽ ngày càng trầm trọng", ông Tuấn nói.
Theo ông, tốt nhất khi mới tập nên thiền trong trạng thái động, nghĩa là có thể tập các động tác yoga, tập thở, học cách tập trung ý nghĩ vào động tác, hơi thở... ở một nơi uy tín, có người hướng dẫn giàu kinh nghiệm.