Cũng như một số ung thư khác, ung thư da (UTD) nếu phát hiện sớm thì điều trị cho kết quả tốt. Tuy việc nhận dạng UTD không mấy khó khăn, nhưng theo TS-BS Trần Thanh Phương - Trưởng khoa Ngoại 3, BV Ung Bướu TP.HCM, phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng muộn và nặng.
Vài nét về ung thư da
Hiện, giới chuyên môn chia UTD thành nhiều dạng:
U ác tính: hiếm gặp so với các loại UTD khác, nhưng lại vô cùng nguy hiểm và điều trị rất khó khăn. Dấu hiệu có thể nhận thấy ở u ác tính là sự thay đổi các nốt và vùng sắc tố trên da.
Ung thư biểu mô tế bào vảy: thường xuất hiện với các nốt u đỏ, lớn thì đóng vảy, chảy máu hoặc phát triển thành mảng vảy, gây đau nhức. Vị trí các u này thường là trên mũi, trán, tai, môi dưới, cánh tay và một số vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Ung thư biểu bì tế bào vảy: loại này lây lan khắp bề mặt da, thậm chí có thể lan vào bên trong cơ thể. Dấu hiệu dễ thấy của bệnh là các mảng màu đỏ, đóng vảy trên da, khiến nhiều người chủ quan dễ nhầm là phát ban, chàm, nốt sùi hay vảy nến.
Ung thư tế bào cơ bản: thường gặp nhất và cũng là loại dễ điều trị nhất. Bởi ung thư tế bào cơ bản lan chậm, hầu như chỉ xảy ra với người lớn. Khối u màu trắng đục như sáp, thường ở những nơi như tai, cổ, da mặt.
Phẫu thuật và tái tạo
TS-BS Trần Thanh Phương cho biết, phẫu thuật được áp dụng cho tất cả các loại UTD. Tuy nhiên, do UTD rất dễ tái phát, nên trong phẫu thuật, bắt buộc phải cắt rộng để phòng ngừa tái phát.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là việc ứng dụng phẫu thuật cắt lạnh, các BS có thể “cắt đủ rộng” một cách chính xác.
Dù vậy, việc điều trị vẫn phụ thuộc lớn vào sự đồng thuận của bệnh nhân. Nhất là khi vị trí ung thư sát với vùng khác, chẳng hạn như vùng mắt… muốn “cắt đủ rộng” bắt buộc BS phải múc mắt bệnh nhân nhằm ngăn ngừa mầm ung thư tái phát. Hoặc với những trường hợp UTD đa ổ, phẫu thuật một thời gian sau thì xuất hiện ổ thứ hai… nên việc mổ lần thứ hai là không tránh khỏi. Người bệnh cần hiểu rõ tình trạng của mình để hợp tác tốt và không nên chủ quan. Nhất là sau khi phẫu thuật, sau tái tạo da vẫn cần phải theo dõi sát để có hướng điều trị bổ túc hoặc phải xạ trị bao vây với hy vọng diệt hết tế bào ung thư còn sót lại.
Phòng ngừa được không?
Ở Việt Nam, UTD hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi, nhất là những người sống ở nông thôn và vùng biển, do phải làm việc trong cường độ ánh nắng cao. Vì thế, với những người thường xuyên phải làm việc dưới ánh nắng, nên chú ý che chắn kỹ: đội mũ, mặc áo dài tay, sử dụng kem chống nắng… nhằm hạn chế tia nắng chiếu trực tiếp vào da.
Cần phải theo dõi và kiểm tra sức khỏe ngay khi thấy cơ thể xuất hiện những nốt lạ, đặc biệt là với những người mà tiền sử gia đình có người bệnh UTD.