Theo một số nhà nghiên cứu, trầm uất sở dĩ thành hình là do dẫn truyền giữa các trung khu thần kinh bị nhiễu loạn dưới tác động của tình trạng trước rối loạn sau thiếu hụt nội tiết tố nữ tính estrogen và progesteron.
ảnh minh họa
Cuộc sống càng được tiếng văn minh, càng đầy đủ điều kiện vật chất dường như càng thêm nhiều điều nghịch lý. Bằng chứng là nếu bệnh trầm cảm hầu như xa lạ với cư dân ở châu Âu trong suốt thế chiến thứ 2 thì hiện nay lại đang là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng ở nhiều nước phương Tây, nơi no cơm ấm áo nhất! Có gì đó nghịch lý khi trầm cảm thậm chí là một trong các căn bệnh có tiến độ phát tán cao nhất ở Hoa Kỳ trong thập niên vừa qua, nơi nếp sống "khó buồn" vì mang tính chất tranh đua quyết liệt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ắt hẳn phải có lý do chính đáng khi xếp trầm cảm vào hàng đầu của nhóm bệnh chứng đáng lo ở châu Âu trong thế kỷ XXI.
Chuyện lại không chỉ có ở nước người. Thử hỏi có bao nhiêu bà ở xứ mình không mang theo "nỗi buồn" khi bước vào tuổi mãn kinh?
Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu kéo dài cả chục năm, trầm cảm không là chuyện ngày một ngày hai. Trái lại, bệnh đã âm thầm nhen nhúm trước đó rất lâu. Tùy theo sức kháng bệnh của mỗi người mà bệnh trầm cảm có hoặc không, bộc phát sớm hay muộn. Thông thường chỉ vài tuần sau khi mãn kinh thì bệnh đã rõ nét. Gần đây, nhờ các mô hình thực nghiệm với phương tiện đo đạc mới, các chuyên gia khoa thần kinh đã phát hiện dấu hiệu thiểu năng tuần hoàn não cũng như thương tổn ở nhiều vùng trên não bộ của phụ nữ mãn kinh.
Theo một số nhà nghiên cứu, trầm uất sở dĩ thành hình là do dẫn truyền giữa các trung khu thần kinh bị nhiễu loạn dưới tác động của tình trạng trước rối loạn sau thiếu hụt nội tiết tố nữ tính estrogen và progesteron. Điều này hoàn toàn hợp lý vì hệ nội tiết và hệ thần kinh bao giờ cũng hoạt động trong thế "tay trong tay". Thiếu nội tiết tố thì chức năng tư duy sớm muộn cũng rơi vào cảnh rối như tơ vò. Hậu quả là trầm cảm, biểu tượng điển hình của ngọn đèn leo lét trước gió, không mời cũng đến!
Theo nhiều chuyên gia ngành nội tiết ở CHLB Đức, bệnh còn do phản ứng sai lệch của hệ miễn dịch, qua đó cơ thể bỗng tự tổng hợp nhiều loại kháng thể méo mó về mặt cấu trúc nên chẳng những vô tích sự mà còn "nhanh nhẩu đoảng" theo kiểu tự gây rối loạn dẫn truyền thần kinh khiến nạn nhân bỗng dưng "muốn... buồn"! Giả thuyết này càng lúc càng đứng vững từ khi người ta phát hiện trong huyết thanh của người mãn kinh một số kháng thể có tác dụng gây trầm uất.
Chính vì chúng mà serotonin, nội tiết tố cần thiết cho giấc ngủ yên bình, bị vô hiệu hóa. Thiếu serotonin, hay nói đúng hơn, tuy có serotonin nhưng cũng như không vì mất hoạt tính, gia chủ không chỉ mất ngủ mà lực lượng phòng vệ của cơ thể cũng mất khả năng nhạy bén.
Chẳng những thế, serotonin đồng thời ảnh hưởng lên nhiều chức năng khác như huyết áp, hô hấp, tiêu hóa, sinh dục... Khỏi nói dông dài cũng hiểu "đẹp gì nổi" nếu cứ mất ngủ, buồn bã, ưu tư, biếng ăn... Trầm cảm vì thế cần được phát hiện càng sớm càng tốt và điều trị càng rốt ráo càng hay để chuyện nhỏ đừng xé ra to một cách oan uổng.
Không quá khó nếu thầy thuốc chữa bệnh trầm cảm đừng tập trung vào hệ thần kinh rồi quên hệ nội tiết trong giai đoạn tiền mãn kinh của nạn nhân. Tất nhiên giải pháp không thể là thuốc nội tiết tố, thuốc nhóm hóa chất tổng hợp vì đã phát hiện được phản ứng phụ nghiêm trọng khi áp dụng liệu pháp bổ sung nội tiết tố.
Mặt khác, càng đáng lo hơn nữa nếu "cắn răng chịu trận" vì hậu quả của tình trạng mãn kinh không chỉ đóng khung trong bệnh trầm uất. Biện pháp để trầm uất là chuyện xa lạ với phụ nữ khi bước vào khúc quanh của đường đời lại không quá phức tạp nếu thầy thuốc hiểu hơn về tác dụng "giải buồn" của nhóm cây thuốc trời sinh để "nàng vui", như Lepidium, Black Cohosh, Damina ...
Theo Nội Kinh, y thư gối đầu từ nhiều ngàn năm của thầy thuốc ngành y học cổ truyền, "thầy thuốc xuất sắc là thầy thuốc chữa bệnh khi bệnh chưa phát".