1. Sushi cá nóc
Cá nóc (có nơi gọi là cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà) là loài cá sống ở nước mặn nhiều hơn nước ngọt. Ở Việt nam, cá nóc có gần 70 loài khác nhau, có loài độc và không độc. Loài cá nóc độc người dân ăn thường có thân 4 – 40cm, chắc, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng.
Món sushi cá nóc là món ăn được nhiều người ưa chuộng ở nhiều nước, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù đây là món ăn ngon nhưng việc chế biến cá nóc sao cho an toàn thì lại không hề đơn giản, chỉ lơ là một chút là có thể gây chết người. Ở Nhật Bản, chỉ có những đầu bếp chuyên nghiệp, có bằng mới được chế biến món ăn này do mức độ nguy hiểm của món ăn này.
Độc tố của cá nóc có nhiều nhất ở gan, tụy, máu, mang, đầu và trứng. Tuy nhiên, ngay cả thân cá cũng có độc tố cao, do đó, nhiều người ăn thịt cá nóc cũng bị ngộ độc. Hai độc tố chính trong cá nóc là tetrodotoxin và hepatoxin. Các độc tố này rất bền vững, nếu đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ thì độc tố mới giảm đi 1/2. Đó chính là lý do tại sao rất nhiều người bị ngộ độc do ăn các món liên quan đến cá nóc.
Thường sau khi ăn cá nóc độc từ 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân bị tê môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay. Các triệu chứng khác thèm theo có thể bao gồm: đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ... Nạn nhân có thể chết sau 1,5-8 giờ.
Ảnh minh họa
2. Cháo ấu tẩu
Cháo Ấu tẩu còn được gọi là cháo độc dược bởi nó được nấu từ củ Ấu tẩu. Món ăn này của người Hà Giang và được cho là cực bổ, có thể giúp người ăn giãn gân cốt, giảm đau nức các cơ, nhức xương, thậm chí là cả u nhọt nhất là đối với đàn ông vì khiến các đấng mày râu tăng khả năng ham muốn.
Tuy nhiên, củ Ấu tẩu có tính độc cực mạnh, có thể khiến người dùng toàn thân bị co rúm và mất mạng. Để nấu món cháo này, người ta phải ngâm loại củ này trong nước gạo đặc, sau đó ninh dừ 4-5 giờ cho hết chất độc, củ tơi ra thành bột đặc sền sệt. Sau đó, họ mới nấu thành cháo. Cháo Ấu tẩu có mùi béo ngậy, thơm, cay và đặc biệt là đắng, đặc trưng của củ Ấu Tẩu. Một vị đắng bùi, mới ăn thì khó nuốt, nhưng chỉ vài ba thìa đã thấy ngọt miệng, ăn nhiều sinh nghiện.
Tuy nhiên, nếu củ Ấu tẩu không được ngâm và ninh cho hết chất độc thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng khi ăn.
Ảnh minh họa
3. Hàu sống
Hàu là loại hải sản rất giàu đạm, kẽm, dễ tiêu và có lợi cho chu trình chuyển hóa các chất trong cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe cho cả nam và nữ giới. Tuy nhiên, đây là loại hải sản hay sống ở các vùng ven biển, cửa biển nên có thể nhiễm các loại vi khuẩn, kí sinh trùng, trong đó có sán.
Nếu hàu được đánh bắt trong mùa biển có tảo độc thì nó còn có thể nhiễm tảo độc và gây ngộ độc, tiêu chảy cho người ăn hàu sống.
Theo Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ thì hàu là một trong những loại thực phẩm gây ra nguy cơ đột quỵ cao. Trong hàu sống có chứa 2 virus gây bệnh là Norovirus và Vibrio, trong đó norovirus, có thể gây ra viêm ruột, viêm dạ dày, còn vibrio là một loại vi khuẩn gây ra bệnh tả với những triệu chứng như sốt cao, sốc nhiễm trùng, phồng rộp da, thậm chí tử vong do nhiễm trùng máu.
Những người bị bệnh gan, tiểu đường, bạch cầu... sẽ càng có nguy cơ nhiễm khuẩn virus vibro nặng. Chỉ có nấu chín hải sản, trong đó có cả hàu mới có thể diệt sán, trừ giun.
Ảnh minh họa
4. Nem chua
Nem chua là một trong những món ăn được rất nhiều người ưa thích bởi mùi vị đặc biệt của nó. Nem chua được làm từ thịt lợn sống, trộn với thính, tỏi, ớt, sau 3 ngày lên men thì có thể ăn được. Tuy nhiên, vì là món ăn làm từ thịt lợn, lại không qua chế biến chín nên nem chua có thể bị lâynhiễm liên cầu lợn.
Theo Bộ Y tế, biểu hiện khi bị nhiễm liên cầu lợn là sốt cao, nhiều khi kèm theo rét run, mệt, đau mỏi người, đau đầu, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, nếu nặng có thể mê sảng, ngủ gà, hôn mê... và có thể dẫn tới tử vong. Để tránh lây nhiễm bệnh liên cầu lợn, người dân nên tránh các món chế biến từ thịt lợn chưa chín như nem chua, nem chạo, tiết canh…
Theo Tri thức trẻ