ảnh minh họa
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, máy tính hiện đã và đang trở thành một vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình. Đi cùng với sự phát triển này là hệ lụy của sự gia tăng các bệnh liên quan đến máy tính do hành vi sử dụng chưa hợp lý. Các gợi ý được liệt kê trong khuôn khổ bài viết sẽ giúp bạn luyện tập các thói quen tích cực hơn trong việc tiếp xúc hàng ngày với máy tính, từ đó giúp phần nào bảo vệ sức khỏe và nâng cao hiệu quả công việc.
Tư thế và không gian làm việc
Bí kíp 1: Sửa lại tư thế ngồi
Thực ra ngồi thẳng lưng đã được các nhà khoa học khẳng định không mang lại hiệu quả cao, góc ngồi lý tưởng nhất nằm giữa khoảng 120 và 135 độ. Nếu bạn thực sự muốn vai được thoải mái, hãy giữ cho cánh tay và bàn tay nằm trên một đường thẳng, trong khi đó, chân phải đặt phẳng và ngay ngắn trên nền nhà. Điểm trên cùng của màn hình nên đối diện với tầm mắt.
Bí kíp 2: Sử dụng loại bàn đứng
Có thể bạn sẽ thấy kiểu bàn này không quen mắt và hơi kì lạ, thế nhưng, nó đã được chứng minh có tác động hiệu quả trong việc cải thiện tư thế làm việc, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể và đôi khi nó còn có tác dụng nhắc nhở chúng ta nên nghỉ giải lao thường xuyên hơn.
Giảm thiểu áp lực cho mắt
Khi nhắc đến các bệnh liên quan đến máy tính, mắt là một bộ phận bị ảnh hưởng khá nhiều tuy nhiên lại thường xuyên bị ngó lơ. Đau lưng hay mỏi cơ thì khá dễ nhận ra còn với những triệu chứng như khô, mờ hay mỏi mắt thì chúng ta lại thường chủ quan với chúng. Điều này ảnh hưởng đến tâm trạng và năng lượng của bạn nhiều hơn bạn nghĩ.
Bí kíp 3: Điều chỉnh ánh sáng môi trường xung quanh.
Đầu tiên, hãy chắc chắn ánh sáng môi trường xung quanh bạn không quá sáng. Đèn huỳnh quang mạnh và ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ làm mắt nhanh mỏi khi nhìn màn hình. Nếu có thể, hãy sử dụng rèm tối màu để làm giảm cường độ nguồn sáng và sử dụng đèn sợi đốt hoặc halogen thay cho đèn huỳnh quang.
Bí kíp 4: Tối ưu thiết lập màn hình
Cần chú ý rằng độ sáng của màn hình nên cân bằng với độ sáng của môi trường xung quanh. Bạn có thể đơn giản kiểm tra yếu tố này bằng cách nhìn thẳng vào màn hình trắng trơn. Nếu bạn cảm thấy khó chịu như đang nhìn trực tiếp vào bóng đèn, màn hình đang được thiết lập độ sáng quá tay. Ngược lại, nếu bạn có cảm giác màn hình nâu nhạt hoặc xám, đã đến lúc bạn nên chỉnh độ sáng cao hơn một chút.
Bí kíp 5: Chớp mắt thường xuyên
Có một sự thực mà có thể bạn không nhận ra, khi sử dụng máy tính nhiều khi chúng ta tập trung đến nỗi quên cả chớp mắt. Điều này dẫn đến hậu quả mắt nhanh chóng bị khô, gây ngứa mắt, mờ mắt và thị lực giảm, thậm chí, tệ hơn bạn có thể làm mắt bị tổn thương. Hãy sử dụng thuốc nhỏ mắt có công dụng giữ ẩm và đừng quên liên lạc với bác sĩ khi gặp các phản ứng phụ không mong muốn.
Nghỉ giải lao đều đặn và thường xuyên
Vấn đề muôn thuở với các tín đồ công nghệ là họ thường say mê máy tính đến nỗi cảm thấy như vài tiếng ngồi máy chỉ trôi qua nhanh như chớp mắt. Sau đó, bạn bắt đầu cảm thấy cơ thể mệt mỏi rã rời.
Bí kíp 6: Giữ máu lưu thông
Giữ máu lưu thông đều đặn là một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của cơ thể. Thỉnh thoảng, tốt nhất là mỗi tiếng một lần, hãy rời mắt khỏi màn hình, đứng lên và làm một vài động tác chân tay thoải mái. Nếu có thể, hãy di chuyển một vài vòng.
Bí kíp 7: Làm tươi mới đầu óc
Nếu có thể, hãy ngưng sự chú ý vào máy tính mỗi nửa tiếng. Bạn có thể bắt chuyện với bạn bè hoặc đồng nghiệp một lúc, nhìn ra cửa sổ hoặc đơn giản hơn hãy nhắm mắt thư giãn một vài phút. Điều này sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả công việc bạn đang thực hiện.
Bí kíp 8: Sử dụng phương pháp Pomodoro
Nếu bạn thường xuyên quên thư giãn, phương pháp Pomodoro chính là những gì bạn cần. Cụ thể, đây là một phương pháp xen kẽ các lần nghỉ ngắn và nghỉ dài được các nhà khoa học chứng minh là vừa tốt cho sức khỏe vừa tăng cường hiệusuất công việc. Giả sử, cứ mỗi 25 phút làm việc, bạn nên nghỉ 5 phút, giai đoạn này được gọi là một Pomorodo. Mỗi bốn Pomorodo hãy nghỉ một lần dài 15 phút. Hiện nay có khá nhiều ứng dụng trên smartphone có tính năng nhắc nhở bạn về phương pháp Pomorodo này như PomLife Lite cho Android hay iTomato cho iOS.
Bí kíp 9: Rèn luyện cho mình thói quen thực sự thư giãn
Đôi khi thư giãn không thực sự được gọi là thư giãn nếu như trong đầu bạn vẫn vướng bận nhiều suy nghĩ về công việc chẳng hạn. Hãy thực sự ngồi xuống, nhắm mắt và xóa khỏi đầu óc mọi áp lực để việc nghỉ ngơi đạt hiệu quả cao nhất.
Có thể những gợi ý trong khuôn khổ bài viết này hơi nhiều thông tin và rất khó để có thể áp dụng ngay tất cả cùng một lúc. Hãy tập trước cho mình 2 đến 3 điều được nêu bên trên. Một khi bạn quen với chúng, hãy chọn thêm 2 đến 3 điều nữa để thực hiện. Dần dần, bạn sẽ có một thói quen sử dụng máy tính tốt hơn để đảm bảo sức khỏe.