Khế, cà chua, me, việt quốc... là những loại quả chứa nhiều axit oxalic. Ảnh: N.S.
Theo Tiến sĩ Từ Việt Phú, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng việc hấp thụ thường xuyên axit oxalic vào người là nguyên nhân chính gây nên căn bệnh sỏi thận. Vì vậy các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân sỏi thận nên tránh hoặc hạn chế ăn uống các thực phẩm có chứa axit oxalic.
Trong thực phẩm hàng ngày, axit oxalic thường ở lượng thấp nên không gây ra tác hại ngay lập tức. Tuy nhiên nếu dùng ở lượng lớn, aixt oxalic dễ làm kích thích niêm mạc ruột và ở liều nguyên chất còn có thể gây ngộ độc cấp, thậm chí tử vong (khoảng 22g đối với người nặng 60 kg).
Tiến sĩ Phú cho biết, trong tự nhiên, axit oxalic có thể tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm rau củ quả mà chúng ta hấp thụ hàng ngày như khế, chanh, nho, me, củ cải đường, ca cao, cải bó xôi, lá chè, cải thìa, cần tây... Cảm giác dễ nhận biết khi ăn thực phẩm chứa axit oxalic là có vị chua, chát hoặc hơi nhẫn nơi đầu lưỡi.
Theo đó, thực phẩm chứa axit oxalic trong tự nhiên thường được chia làm 4 nhóm cơ bản:
- Thực phẩm nhiều protein: Các thực phẩm như đậu phộng, bơ đậu phộng, đậu nành, đậu hũ, hạt dẻ, hạt thông... đều chứa nhiều oxalat, là chất góp phần tạo nên axit oxalic.
- Các loại rau, củ: Cây cải thìa, rau diếp, đậu bắp, củ cải đường, bồ công anh, cây mù tạc đều chứa hàm lượng axit oxalic rất cao. Rau cần tây, đậu xanh, tiêu xanh, cà chua, cà rốt, cà tím, khoai lang, quả bí, rau dền.. cũng nhiều axit oxalic.
- Thực phẩm làm từ lúa mì: Ngũ cốc, bánh mì, bột mì.
- Nhóm thực phẩm gồm chocolate, trà, cola, nước ép việt quốc, các loại cocktail pha từ rượu mạnh và nước hoa quả, sữa chua.
Axit oxalic vừa được các nhà khoa học TP HCM khuyến cáo là hóa chất độc hại không được dùng trong chế biến thực phẩm. Đầu tháng 7, trong 7 mẫu bún tươi, bánh canh, thực phẩm làm từ gạo lấy ngẫu nhiên ở các điểm bán nhỏ lẻ ngoài thị trường, Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM phát hiện 2 mẫu chứa aixt oxalic với hàm lượng 54,5 và 304 mg trong một kg.
Giáo sư - Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TP HCM, đại diện Công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng cho biết, trong quá trình xét nghiệm, công ty này cũng phát hiện một số mẫu thực phẩm làm từ gạo có axit oxalic.
Về mặt hóa học, Chủ tịch Hội Hóa học TP HCM cho rằng axit oxalic rất có hại cho sức khỏe của con người. Vào cơ thể, chúng có xu hướng kết tủa khi gặp dinh dưỡng có chứa canxi. Nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa aixt oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận gây sỏi thận hoặc đọng lại các khớp xương. Theo suy đoán của tiến sĩ Sơn, người sản xuất bún, bánh canh... cho axit oxalic vào sản phẩm có thể để tẩy trắng, chống ôi.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, phó chủ tịch thường trực Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM nhận định, axit oxalic và tinopal là những chất độc hại tuyệt đối cấm dùng trong thực phẩm. Ban sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng này và sẽ công bố theo đúng quy trình. Những cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo VnExpress