Rụng tóc là một phản ứng bình thường, tạm thời trước một điều gì đó bạn vừa trải qua, chẳng hạn như phẫu thuật hay bị sốt
Rụng tóc do nấm.
Rụng tóc cũng có thể là một đặc tính di truyền, hoặc cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về sự thiếu chất hay mất cân bằng hóa học. Vì vậy, bạn cần phải làm những gì tốt nhất để ngăn chặn và bù đắp cho sự thiếu hụt.
Vì sao tóc rụng?
Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc như: do dùng thuốc chữa bệnh; do yếu tố cơ lý, hóa học; do rối loạn chức năng ở cơ quan khác gây ra như bạn bị thiếu máu, stress, sau sinh; rụng tóc do yếu tố thần kinh và miễn dịch; do vi nấm; do viêm da dầu; do di truyền; do các thương tổn da đầu gây ra...
Cách chữa trị?
Điều trị bằng thuốc:
Điều trị bệnh rụng tóc không đơn giản vì có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Để chọn loại thuốc thích hợp, cần tìm ra nguyên nhân gây rụng tóc.
Với rụng tóc sau sinh, sau chấn thương lớn, mất máu, bệnh truyền nhiễm (sốt rét, tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết): uống bepanthen, biotin, vitamin C, B1, B6... và tăng cường dinh dưỡng trong ăn uống, khi sức khỏe hồi phục thì tóc sẽ mọc lại như trước.
Ở thể rụng tóc Pelade (rụng tóc từng vùng): Điều trị đường toàn thân: Có thể áp dụng một trong các phương pháp sau: Tiêm triamcinolone acetonide, uống corticoid, ngoài ra, có thể uống bepanthen, biotin, vitamin C, 3B và thuốc an thần. Bên cạnh đó, có thể uống cyclosporine, tuy nhiên cũng tái phát sau ngưng thuốc vài tháng. Dapsone ít áp dụng vì có nhiều tác dụng phụ.
Điều trị miễn dịch tại chỗ: Gây viêm da tiếp xúc tại chỗ bằng cách bôi các dị ứng nguyên mạnh; thường dùng 2 loại: squaric acid dibutylester (SADBE) và diphencyprone (DPCP). Kết hợp bôi corticosteroid tại chỗ. Dùng anthralin 0,2-1%: thoa sau 30 phút đến 1 giờ thì rửa sạch hoặc có thể để qua đêm. Ngoài ra còn có thể dùng PUVA, cyclosporin (nhưng kết quả rất hạn chế, tóc mọc lại <30%), tacrolimus bôi tại chỗ có kết quả còn hạn chế, dạng uống không có kết quả.
Rụng tóc liên quan androgen:
Điều trị cũng rất phức tạp, nhiều khi cần phải kết hợp điều trị chung với điều trị theo cơ chế gây bệnh. Tại chỗ có thể xịt thuốc minoxidil. Cũng có thể uống một trong các thuốc kháng androgen như: cimetidin, cyproteron acetate: có tác dụng ngăn chặn DTH (dihydrotestosterone) gắn kết với thụ thể ở nang lông; spironolacton vừa có tác dụng ức chế sản xuất androgen ở thượng thận và buồng trứng, vừa ngăn chặn DTH gắn kết với thụ thể ở nang lông.
Rụng tóc do nấm tóc và do viêm da dầu:
Điều trị hết nấm tóc hoặc hết viêm da dầu thì tóc sẽ mọc lại hoàn toàn. Về điều trị, nên kết hợp đường uống: nizoral hoặc sporal và bôi tại chỗ như clotrimazol, kem nizoral, terbinafin và gội đầu bằng các loại dầu gội có chứa ketoconazole như nizoral, kelog, dezor, haicneal kết hợp với uống bepanthene, biotin, L-cystine vừa có tác dụng ức chế da nhờn vừa có tác dụng tăng trưởng mọc tóc.
Một số phương pháp điều trị khác
PUVA (psoralen + chiếu tia cực tím): liều 20-40 lần chiếu, tóc mọc lại nhưng đa số cũng tái phát sau ngưng điều trị vài tháng.
Có thể dùng phương pháp cấy tóc hoặc laser tại chỗ, laser nội mạch. Phẫu thuật ghép vùng da không bị rụng tóc lên vùng bị rụng tóc, đây là một phương pháp áp dụng mới nhất hiện nay. Trước khi phẫu thuật ghép tóc, người ta dùng kỹ thuật nong kéo giãn da đầu phần không bị rụng tóc vùng lân cận mà dự định sẽ lấy ghép, sau một thời gian, độ giãn da đủ để ghép lên vùng da bị mất tóc thì lúc này chuẩn bị phẫu thuật ghép tóc. Phương pháp này áp dụng rất tốt cho các trường hợp rụng tóc từng vùng.