Cải cúc là loại rau có hàm lượng protein cao hơn nhiều loại rau khác; ngoài ra cải cúc còn là vị thuốc hay.
ảnh minh họa
- Chữa ho ở trẻ em: Lá cải cúc 20g thái nhỏ, thêm một ít mật ong vào đem hấp cách thủy, lấy nước để uống trong ngày.
- Chữa ho dai dẳng ở người lớn: Lấy 150g cải cúc đem nấu canh với 200g phổi heo, nêm nếm gia vị. Dùng liền 3-4 ngày cho một liệu trình.
- Trị đau đầu kinh niên: Lấy một ít cải cúc đem nấu lấy nước, mỗi ngày dùng độ 30g nước đã nấu này. Bên ngoài thì dùng lá cải cúc hơ nóng chườm đắp lên đỉnh đầu và hai bên thái dương vào buổi tối trước khi đi ngủ (hoặc mỗi khi thấy nhức đầu).
- Giải cảm: Cảm có đau họng, ho và sốt thì lấy 100g cải cúc tươi cho vào một cái tô lớn, rồi cho cháo chín đang sôi lên trên, và để 5-10 phút cho đỡ nóng thì trộn rau lên ăn.
- Chữa thổ huyết: Lấy cải cúc 200g rửa sạch, cắt đoạn ngắn giã nhỏ, thêm ít nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước cốt uống ngày 3 lần.
- Chữa tỳ vị hàn: Dạ dày ruột trong tình trạng lạnh, đi ngoài lỏng hoặc tiêu chảy, thì dùng 200g cải cúc nấu canh ăn để giúp làm ôn ấm tỳ vị.
- Giúp đầu óc tỉnh táo, chống mệt mỏi, biếng ăn: Lấy 200g cải cúc tươi, rửa sạch, nhúng sơ qua nước sôi để ăn.
- Giúp ôn ấm cơ thể:
Lấy 1/2 kg cải cúc, một đầu cá mè to, một ít gừng tươi, một ít rượu, và gia vị. Đầu cá mè rửa sạch, rán cho vàng thơm, cho gừng vào đảo đều rồi tưới rượu lên và lượng nước vừa đủ hầm chín. Cho cải cúc vào nấu đến sôi, nêm nếm gia vị vừa dùng. Món này có công dụng ôn trung, tán hàn, chữa ho đờm, nhức đầu, chóng mặt buồn nôn do tiêu hóa kém, suy nhược, hay lạnh...
- Bổ tỳ, trị hoa mắt: Lấy 200g cải cúc, một con cá diếc độ 1/2 kg, một ít rượu, dầu ăn, và các gia vị vừa đủ. Cá diếc làm sạch, bỏ vảy, đem rán vàng, rồi cho rượu vào đảo qua, cho gừng, nước vào tiếp, nấu với lửa nhỏ cho cá chín thì cho cải cúc vào và nấu đến sôi lại, nêm nếm gia vị. Món ăn này có tác dụng bổ tỳ, lợi tiểu, trị hoa mắt chóng mặt.