Xưa nay, nói về sâm người ta chỉ biết đến sâm của xứ sở Kim chi chứ không mấy ai biết tại Tân Yên (Bắc Giang) loại kỳ dược này cũng đã có cách đây hơn nghìn năm. Trải qua thời gian, những tưởng nó đã bị tiệt diệt, nhưng như một điều kỳ diệu, mới đây người ta lại phát hiện ra một loại sâm vẫn đang sinh sôi trên núi Dành, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
Sâm nam núi Dành cần được nghiên cứu và nhân rộng.
Sản vật quý tiến Vua
Theo lời giới thiệu chúng tôi tìm đến núi Dành, một quả núi lớn có độ cao hơn 100 mét so với mực nước biển, thuộc địa phận của hai xã Việt Lập và Liên Chung (huyện Tân Yên, Bắc Giang) để tìm hiểu về giống sâm nam quý và được người dân sống quanh núi Dành kể lại: Sâm nam núi Dành có từ rất lâu ở đây, nhưng chính xác năm thì chẳng ai hay.
Tác dụng của sâm nam núi Dành còn được lưu truyền trong dân gian qua câu chuyện: Có thời kỳ mẹ vua Tự Đức bị loà mắt, nhiều thuốc thang chữa trị mà vẫn không khỏi, năm đó may nhờ có sâm nam núi Dành do quan lại trong vùng cống tiến mà mắt bà sáng lại, từ ấy sâm nam núi Dành trở thành sản vật quý tiến vua hàng năm.
Đối với người dân trong vùng Tân Yên tỉnh Bắc Giang thì đây là một loại thảo dược vô cùng quý giá. Nếu gia đình nào có được một lọ sâm nam núi Dành trong nhà thì coi như là có một tủ thuốc có thể chữa được cả bách bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ, hay những căn bệnh thông thường thì chỉ cần dùng một chút sâm nam núi Dành được ngâm với mật ong là có thể khỏi ngay tức thì. Chính vì vậy có nhiều gia đình coi đây như một bảo bối.
Cần có nghiên cứu cụ thể
Tuy nhiên, do là một loại giống sâm khó trồng, lại là giống quý hiếm nên bị nhiều người săn tìm. Vì vậy cả một thời gian dài người ta không nhìn thấy nó. Những thế hệ nông dân có tuổi đời từ 50 đến 60 hiện đang sống dưới chân núi Dành phần lớn đều cũng không biết củ sâm nam núi Dành ra sao, mà họ chỉ biết qua những câu chuyện được kể lại. Ai cũng bảo là loài sâm nam này đã bị tiệt diệt rồi. Ấy vậy mà cách đây gần hai chục năm ông Nguyễn Khắc Lư, 62 tuổi, ở thôn Hậu, xã Liên Chung huyện Tân Yên (Bắc Giang) trong một lần cuốc đất trồng rừng tại núi Dành đã cuốc phải những củ nhỏ có mùi thơm, ông nếm thử thấy ngọt mát, vốn là gia đình có nghề làm thuốc Đông y nên ông Lư biết đó là sâm nam và ông giữ gìn từ đó cho tới bây giờ. Cũng theo ông Lư, loại sâm này phải có từ trên 10 năm tuổi dùng mới có tác dụng tốt. Từ gốc sâm ban đầu, ông Lư đã nhân ra và hướng dẫn một số hộ dân khác trồng để giữ giống.
Ngoài cái tên sâm nam núi Dành nó còn có tên gọi khác là Cát sâm hay sâm Bảo Sơn. Củ sâm nam núi Dành có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng, bên trong lõi màu vàng nhạt, mùi thơm dịu và có vị hơi ngọt...
Kể từ năm 2009, Trung tâm khoa học công nghệ và môi trường huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã thực hiện Đề án để nhân giống loại sâm quý này tại chính các gia đình đang sống ở núi Dành. Đến nay bước đầu đã cho kết quả rất khả quan. Hiện tại, làng Hậu có 100 gốc sâm 3 lá, làng Đồng Sen xã Việt lập có trên 600 gốc sâm 5 lá. Cây sâm nam đã sinh trưởng và phát triển rất tốt có thể coi là một tin vui cho ngành công nghiệp dược phẩm của nước nhà.
Tuy nhiên, sâm nam núi Dành tốt và bổ đến đâu thì chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào. Chỉ biết rằng, từ xa xưa người dân đã dùng để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Chính vì thế, điều mà người dân ở đây mong muốn là ngành chức năng có những nghiên cứu, đánh giá để khẳng định giá trị của loại sâm núi nam Dành, đồng thời đầu tư cho việc nhân giống và phát triển loại thảo dược quý này.