Sử dụng nước ấm thay vì dùng nước lạnh có thể là một phương pháp hiệu quả hơn để hạn chế tổn thương mô và phục hồi việc cung cấp máu tới các vùng bị tổn thương.
Các nhà nghiên cứu đến từ Thụy Sĩ đã sử dụng một miếng kim loại được nung nóng để gây ra những vết bỏng có cùng kích thước tại bốn vị trí trên lưng của mỗi con huột bị gây tê (thuốc giảm đau được sử dụng trước và sau khi tiến hành thí nghiệm).
Một nhóm các con chuột được điều trị bằng gạc ngâm trong nước lạnh khoảng 17°C. Nhóm thứ hai dùng gạc ngâm nước ở nhiệt độ khoảng 37°C. Nhóm thứ ba không được điều trị.
Các vết bỏng và khu vực không bị ảnh hưởng giữa các vết bỏng được kiểm tra sau một giờ, 24 giờ, bốn ngày và bảy ngày.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong vòng 24 giờ, vết bỏng của những con chuột trong nhóm thứ ba đã lan rộng tới các mô cơ bản trong khi không có sự thay đổi tức thời tại các vết bỏng của những con chuột được điều trị bằng nước lạnh hoặc nước ấm. Sau bốn ngày, tất cả các con chuột đều bị tổn thương mô hoặc hoại tử tại những khu vực giữa các vết bỏng, tuy nhiên những tổn thương này ít hơn đáng kể ở những con chuột được điều trị bằng nước ấm.
Mặc dù các thí nghiệm này được tiến hành trên những con chuột, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết những nguyên lý và cơ chế cơ bản của việc bỏng tương tự như ở người.
Theo ông Reto Wettstein, trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ phẫu thuật tái tạo và chỉnh hình tại thành phố Basel, Thụy Sĩ, việc sử dụng nước lạnh để trị bỏng có thể giúp làm mát da nhưng nó cũng có thể gây đau đớn sau 20 phút và dẫn tới sự giảm nhiệt độ bất thường trên da.
Cá nhân bác sĩ Wettstein thực hiện việc làm mát nhanh chóng với nước lạnh trong khoảng một phút, sau đó chuyển qua nước ấm để giúp phục hồi việc tuần hoàn.
Theo Dân trí