Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đức chỉ ra rằng khi ngủ, não bộ sẽ lưu trữ những gì chúng ta học được trong ngày, giúp chúng ta tiếp thu kiến thức tốt hơn.
ảnh minh họa
Tiến sĩ Ines Wilhelm, Viện nghiên cứu Tâm lý và Sinh học thần kinh của Đại học Tubingen (Đức) vừa công bố công trình nghiên cứu về tác dụng của giấc ngủ đối với con người trên tờ Nature Neuroscience. Đối tượng được lựa chọn nghiên cứu chủ yếu là những đứa trẻ ở độ tuổi từ 8 đến 11 và cả những người trưởng thành.
Sau một giấc ngủ hoặc một ngày tỉnh táo, người ta kiểm tra trí nhớ của các đối tượng. Kết quả là sau khi ngủ, cả hai nhóm tuổi nhớ nhiều chi tiết hơn những người ở trạng thái tỉnh táo trong thời gian chuyển tiếp. Trẻ em thu được kết quả tích cực hơn rất nhiều so với người lớn.
“Kiến thức rõ ràng được củng cố, phát triển trong giấc ngủ sau những gì chúng ta đã được học, được trải nghiệm khi thức, đặc biệt là ở trẻ em. Điều này nói lên tầm quan trọng của những giấc ngủ sâu vào ban đêm”, tiến sĩ Wilhelm tiết lộ.
Nghiên cứu trên người trưởng thành cũng cho thấy ngay cả trong lúc ngủ một số khu vực của não bộ có vai trò thu thập kiến thức vẫn hoạt động bình thường. Điều này đồng nghĩa các bộ phận trên vẫn tiếp tục làm việc khi ngủ để sắp xếp, lưu giữ những gì não đã ghi nhận được trong ngày. Như vậy, giấc ngủ là thời gian để củng cố kiến thức và hình thành phản xạ ghi nhớ. Giấc ngủ cũng giúp con người tiếp thu kiến thức mới tốt hơn.
Như vậy, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhồi nhét kiến thức, học ngày học đêm tỏ ra không hiệu quả so với việc tuân thủ giờ giấc học tập, ăn và đặc biệt là ngủ một cách khoa học.