Bữa ăn hợp lý phải bảo đảm đủ 4 nhóm thức ăn gồm lương thực, thực phẩm giàu chất đạm, thực phẩm giàu chất béo và rau quả.
Bữa ăn hợp lý là bữa ăn phải bảo đảm sự cân đối các chất dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn đưa vào cơ thể hàng ngày như ăn đủ chất bột, rau và hoa quả; ăn vừa phải thức ăn có nguồn gốc từ động vật; ăn có mức độ chất dầu mỡ; ăn ít chất đường và ăn hạn chế chất muối.
Bữa ăn hợp lý là bữa ăn bảo đảm cho mọi người được ăn no với đủ chất dinh dưỡng bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, phù hợp với khả năng kinh tế của từng gia đình. Đồng thời, bữa ăn hợp lý còn đem lại cho người ăn sự hứng thú, ăn ngon, phù hợp với khẩu vị, và có sự chia sẻ tình cảm với những người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thuộc.
Bữa ăn truyền thống của người Việt
Thức ăn chính của người Việt Nam là cơm nên bữa ăn thường được gọi là bữa cơm. Trung bình mức tiêu thụ lương thực gạo bình quân cho mỗi đầu người là 400g/ngày ở tất cả các vùng miền trên cả nước.
Ngoài gạo, tùy theo vùng miền còn có các loại lương thực khác như ngô (bắp) ở miền núi, cao nguyên; khoai ở đồng bằng; củ ở trung du, miền núi.
Ngoài cơm và các loại lương thực, bữa ăn của người Việt thường còn có cả rau với nhiều loại khác nhau rất phong phú: muống, bí, đay, dền, ngót, cần, xà lách...
Ngoài rau, trong bữa ăn hàng ngày còn sử dụng thêm nhiều loại trái cây; phổ biến nhất là chuối, mít, đu đủ, ổi, bưởi, cam, quít... Tất cả các loại trái cây đều cung cấp nhiều vitamin, các yếu tố vi lượng, chất xơ... Nguồn dinh dưỡng từ trái cây rất tốt cho con người và có mặt khá phong phú theo từng vùng miền.
Bữa ăn truyền thống của người Việt cũng sử dụng nguồn thức ăn thủy hải sản khá dồi dào, phong phú; phổ biến là cá, tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến... Loại thực phẩm này đem lại nguồn dinh dưỡng rất cao và cung cấp nhiều vitamin cũng như yếu tố vi lượng quý, hiếm như selen, kẽm... Đặc biệt, trong mỡ cá có nhiều acid béo chưa bão hòa rất cần thiết cho cơ thể như: omega-3, omega-6...
Thịt, sữa và các sản phẩm từ động vật đã xuất hiện trong bữa ăn của người Việt ngày càng nhiều cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Trong bữa ăn hàng ngày, số lượng thịt và các sản phẩm của động vật tăng lên đáng kể. Nếu sử dụng không hợp lý, loại thức ăn này có thể dẫn đến sự béo phì và nhiều bệnh chuyển hóa khác; đặc biệt là khi sử dụng nhiều chất mỡ, phủ tạng động vật. Việc sử dụng sữa của người Việt còn chiếm tỉ lệ thấp, chủ yếu chỉ sử dụng sản phẩm này để dinh dưỡng cho trẻ em và người cao tuổi. Khi kinh tế đất nước và kinh tế gia đình phát triển, cần khuyến cáo sử dụng sữa hàng ngày cho tất cả mọi người như một loại thực phẩm không thể thiếu được đối với trẻ em và người cao tuổi.
Bữa ăn hợp lý và an toàn ở gia đình
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và nếp sống công nghiệp, càng ngày càng xuất hiện nhiều quán ăn đường phố để phục vụ những bữa ăn hàng ngày cho nhiều người. Ngoài ra, các loại thực phẩm được chế biến sẵn cũng gia tăng nhanh chóng với khuynh hướng muốn thực hiện một bữa ăn nhanh, gọn, đỡ mất nhiều thời gian. Một số gia đình ở các thị xã, thành phố, ngay cả bữa ăn tối, vợ chồng, con cái đều đi ăn ở nhà hàng, quán ăn và không còn bữa ăn truyền thống của gia đình.
Theo quan niệm từ lâu, gia đình là một tế bào của xã hội; chính bữa ăn tại gia đình là chất keo gắn bó các thành viên trong nhà lại với nhau. Nếu bữa ăn gia đình bị phá bỏ, không còn bữa ăn truyền thống tại gia đình, dần dần sẽ đưa đến sự rạn nứt, tan rã vì mối gắn kết bị buông lỏng… Nếu bữa ăn tối không còn là bữa cơm gia đình hàng ngày nữa thì không biết sẽ như thế nào. Vì vậy, củng cố bữa ăn gia đình chính là củng cố hạnh phúc gia đình và sự an lành của xã hội.
Tuy vậy, dù ăn bữa ăn ở gia đình hay ăn tại quán ăn đường phố, nhà hàng, nhà ăn tập thể, căng tin, cơm trưa văn phòng, người nấu ăn cũng như người ăn cần hiểu rõ và nắm vững những yêu cầu cơ bản của việc tổ chức một bữa ăn hợp lý, an toàn vệ sinh. Một bữa ăn dù ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối đều nhằm mục đích cung cấp đồng bộ, đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể gồm: phải có món cung cấp năng lượng chủ yếu dựa vào chất bột như gạo, ngô, bột mì...; có món ăn chủ lực nhiều chất đạm, chất béo dựa vào đậu nành (đậu phụ, đậu tương), mè (vừng), lạc (đậu phụng) và thịt, cá, trứng; có món rau cung cấp cho cơ thể chất vitamin, chất khoáng và chất xơ. Ngoài ra, ăn cần phải đi đôi với uống tùy theo thức uống hợp lý từng mùa, có thêm canh và bao giờ cũng phải chuẩn bị nước uống. Cuối cùng của một bữa ăn phải có món tráng miệng, tốt nhất là dùng các loại trái cây.
Tóm lại, yêu cầu của một bữa ăn gia đình hợp lý là phải bảo đảm được việc ăn no như đủ cơm, đủ năng lượng; có sự cân đối với đủ 4 nhóm thức ăn gồm lương thực, thực phẩm giàu chất đạm, thực phẩm giàu chất béo và rau quả; phải bảo đảm an toàn vệ sinh, thức ăn không mang các nguồn gây nhiễm bệnh; cần có tinh thần tiết kiệm, người nấu ăn biết chọn thực phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng, giá cả chấp nhận được. Ngoài ra, khi ăn phải thể hiện được sự ăn ngon do biết phối hợp kỹ thuật nấu ăn và tình cảm gia đình. Cần phát huy các bữa ăn truyền thống gia đình, hợp khẩu vị dân tộc, đa dạng món ăn, thay đổi phù hợp, kết hợp nhiều loại thực phẩm, sử dụng nhiều loại gia vị tương ứng; chủ yếu dựa vào thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, nhất là gạo, đậu tương./.
Theo SKĐS