Về mặt sinh lý, đi bộ sau bữa ăn có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề khó tiêu, hội chứng ruột kích thích (IBS), trào ngược axit, huyết áp cao, cholesterol cao, lượng đường trong máu tăng đột biến, tăng cân và tích mỡ bụng.
Đi bộ cũng rất tốt cho sức khỏe tinh thần và đi bộ ngay sau bữa ăn có thể có thể giúp ngủ ngon hơn, bớt uể oải, tăng sự tập trung, tâm trạng tốt hơn, giảm căng thẳng và lo lắng.
1. Ưu điểm của việc đi bộ ngay sau bữa ăn
Dưới đây là 4 lý do bạn nên đi bộ sau bữa ăn:
1.1 Đi bộ sau bữa ăn tốt cho hệ tiêu hóa
Đi bộ sau bữa ăn rất tốt cho tiêu hóa, giúp phân hủy thức ăn nhanh hơn, do đó cải thiện cả quá trình tiêu hóa và trao đổi chất của cơ thể. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020 cho thấy, đi bộ sau bữa ăn cũng có lợi cho những người mắc Hội chứng ruột kích thích (IBS). Họ càng đi bộ nhiều thì hệ tiêu hóa của họ càng tốt.
1.2 Đi bộ sau bữa ăn giúp điều chỉnh lượng đường trong máu
Những người mắc bệnh tiểu đường có thể được hưởng lợi nhiều hơn khi đi bộ sau bữa ăn. Ăn một bữa ăn nặng, đặc biệt nếu bao gồm carbs có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến không cần thiết. Điều này thực sự không tốt cho sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng, đi bộ ngay sau bữa ăn có thể làm giảm lượng đường tăng đột biến, thậm chí còn làm tăng sản xuất insulin trong cơ thể.
1.3 Giúp điều hòa huyết áp
Đi bộ ngay sau bữa ăn cũng rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu cho thấy nó có nhiều lợi ích như: Giảm mức cholesterol LDL (xấu) trong cơ thể, tăng cường chức năng tim mạch và điều hòa huyết áp...
1.4 Giảm nguy cơ béo bụng
Thay vì ngủ trưa ngay sau khi ăn trưa hoặc đi ngủ ngay sau bữa tối, bạn nên vận động theo cách này hay cách khác. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tăng cân đặc biệt là ở vùng bụng. Đi bộ là hoạt động tốt nhất được khuyến khích ngay sau bữa ăn.
2. Đi bộ sau bữa ăn có tốt cho người bệnh tim không?
Tuy nhiên, đi bộ ngay sau bữa ăn không phải lúc nào cũng tốt cho tất cả mọi người.
Nghiên cứu cho thấy đi bộ ngay sau bữa ăn có thể không tốt cho bệnh nhân tim hoặc những người đã từng mắc bệnh tim trước đây. Những trường hợp này nên đi bộ trước bữa ăn thay vì sau khi ăn.
Điều này là do sau khi ăn, hệ tiêu hóa cần tăng lượng máu cung cấp để phân hủy thức ăn nhanh chóng, khiến tim phải bơm máu nhanh hơn bình thường. Nếu bạn đi bộ ở giai đoạn này, có thể gây thêm căng thẳng cho tim, đặc biệt nếu bạn là bệnh nhân tim.
3. Lưu ý khi tập thể dục ở người mắc bệnh tim
Ngay cả ở những bệnh nhân có trái tim bị tổn thương nặng như suy tim, tập thể dục có thể rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống. Tập thể dục làm cho cơ tim của bạn khỏe hơn, giúp bạn năng động hơn mà không bị đau ngực hoặc các triệu chứng khác.
Tập thể dục có thể giúp giảm huyết áp và cholesterol. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, nó có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, tập luyện phải hợp lý và cần thận trọng để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng cơ bản. Người bệnh luôn trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục, cần đảm bảo rằng bài tập bạn muốn thực hiện là an toàn; cường độ và thời gian tập luyện phải phù hợp với tình trạng bệnh. Điều này càng đặc biệt quan trọng nếu:
- Gần đây bạn bị đau tim.
- Bạn bị đau ngực, tức ngực hoặc khó thở.
- Bạn bị đái tháo đường.
- Gần đây bạn đã được phẫu thuật tim...
Nói chung, nếu tình trạng bệnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tập thể dục, tốt nhất nên tránh các môn thể thao cường độ cao, sức bền hoặc cạnh tranh và nên sử dụng phương pháp cá nhân hóa từ bác sĩ tim mạch.
Nếu bệnh nhân bị đau ngực, khó thở, đánh trống ngực hoặc chóng mặt khi tập thể dục, cần ngừng tập thể dục ngay lập tức và tìm kiếm sự trợ giúp y tế.