Theo thông tin từ Trung tâm bệnh nhiệt đới - bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng, đỉnh điểm có thể là tháng 11-12 tới.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới - bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch SXH lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch SXH lớn xảy ra.
Tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, nếu trong tháng 8 số bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ ghi nhận 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250. Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các huyện của Hà Nội như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…
Đáng chú ý, PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo, nguy cơ dịch chồng dịch thời điểm cuối năm rất lớn khi Covid-19 vẫn đang tồn tại, cùng đó bắt đầu vào mùa của một số bệnh gây dịch vào mùa đông khác như cúm, sởi, thủy đậu, aenovirus,...
Thời điểm này, tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, trung bình một ngày có 10 - 20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng,.. nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Ngoài ra nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
Đáng lo ngại là ở thời điểm nhiều dịch bệnh cùng gia tăng như hiện nay, người bệnh rất dễ nhầm lẫn giữa các bệnh bởi triệu chứng của các bệnh gần giống nhau.
PGS Cường khuyến cáo, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thì mới đến viện.
ThS. BS Đặng Khánh Ly , Trưởng khoa Nhi - bệnh viện Đống Đa thăm khám cho một bệnh nhân cúm
Về bệnh cúm mùa, các bác sĩ cảnh báo, virus cúm 2022 liên tục biến đổi, dịch cúm A từ tháng 6 đến nay vẫn diễn biến phức tạp, gây biến chứng nặng hơn như: bội nhiễm, viêm phổi nặng, tràn dịch phổi, phù não, suy đa tạng, suy hô hấp… ở cả trẻ em và người lớn.
Tại bệnh viện E, hiện mỗi ngày Khoa Nhi vẫn đang tiếp nhận 100-150 ca bệnh đến thăm khám, phần lớn liên quan đến bệnh cúm RSV, sốt xuất huyết… ThS. BSCKII Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp - bệnh viện E cho biết, do bệnh nhi cúm mùa nhập viện gia tăng nên nhiều trường hợp phải nằm ghép trong những ngày đầu để chờ giường.
Đáng chú ý, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch sốt cao, co giật, mê sảng… Vì thế, bác sĩ Quý khuyến cáo, các trường hợp sốt cao, co giật có thể gây biến chứng viêm não, viêm màng não, do vậy cần nhanh đi khám để kịp thời tìm ra nguyên nhân và hướng xử trí thích hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Tương tự, tại bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cũng cho thấy, mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận 70-80 bệnh nhi thăm khám, trong đó có đến 2/3 là có các triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau người, nhiều nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính với cúm B, đặc biệt thường gặp ở nhóm trẻ 6-14 tuổi.
ThS.BS Đặng Khánh Ly, Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Đống Đa khuyến cáo, bệnh cúm chủ yếu gặp ở các đối tượng trẻ em trong độ tuổi đi học. Chính vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, chảy nước mũi, ho, sốt… cần cho trẻ đi khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ tránh trường hợp chủ quan, trẻ ốm vẫn đưa đến lớp lại thành môi trường lây lan trong lớp học.
Các trường hợp theo dõi, điều trị tại nhà cần đeo khẩu trang, tăng cường rửa tay, vệ sinh đường hô hấp khi ho khạc, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, vệ sinh mũi họng thường xuyên, chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe.