Đừng tưởng còn trẻ thì không có nguy cơ bị tim quá tải Đừng tưởng còn trẻ thì không có nguy cơ bị tim quá tải , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Những thói quen gây hại từ cuộc sống hiện đại đang từng bước khiến tim người trẻ bị quá tải. Không điều chỉnh kịp thời có thể dẫn đến bệnh lý tim mạch – vốn bị người trẻ ngộ nhận chỉ có ở người trung tuổi.
Tại Việt Nam, bệnh tim mạch chiếm con số tử vong không nhỏ trong các bệnh lý không lây nhiễm. Ước tính mỗi năm, có khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm khoảng 33% số ca tử vong mỗi năm. Đáng chú ý, các bệnh lý về tim mạch cũng ngày càng trẻ hóa, không còn là bệnh chỉ được phát hiện ở độ tuổi trung niên - TS.BS Phạm Trần Linh, Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết. Cụ thể, có đến 47% người trên 25 tuổi bị tăng huyết áp.
Ghi nhận thực tế trường hợp của bạn X.Đ (26 tuổi, Hải Dương) từng nhiều lần phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tim đập nhanh dẫn đến tăng huyết áp. Đ. cũng thừa nhận bản thân thường xuyên hút thuốc lá, tâm trạng căng thẳng do áp lực công việc khiến bệnh tăng huyết áp không thể cải thiện.
Các yếu tố nguy cơ khiến tim phải “kêu cứu” vì quá tải
Nhiều người trẻ vẫn ngộ nhận, bệnh tim mạch chỉ do di truyền, tuổi tác, giới tính và đó là “bệnh của người già, chắc sẽ chừa mình ra”. Thực tế, theo TS.BS Phạm Trần Linh, còn có các nguyên nhân chủ quan khác mà ai cũng có thể mắc phải, đến từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý, đời sống tinh thần và lối sống kém lành mạnh khiến tim vốn đã chịu áp lực, lại càng thêm quá tải. Nếu không thay đổi, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc cũng như cấu tạo, chức năng của tim và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Có 3 nhóm nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng tim quá tải mà người trẻ thường gặp là lối sống thiếu lành mạnh, chế độ dinh dưỡng và đời sống tinh thần bất ổn.
Các thói quen thuộc nhóm lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, thức khuya, lười vận động… ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Những thói quen này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung mà còn gây hại cho tim nói riêng.
Giới trẻ văn phòng thường chuộng trà sữa, ăn bánh ngọt… tuy nhiên, họ chưa biết rằng “nạp” quá nhiều đường có thể kích thích hệ thần kinh giao cảm, từ đó nguy hại cho trái tim. Ngoài ra, trong nhóm dinh dưỡng còn có hai thói quen khác mà người trẻ cần lưu ý, đó là ăn thừa muối hoặc ăn quá nhiều thức ăn nhanh dẫn đến thừa cân, béo phì. Chưa bàn đến việc ảnh hưởng ngoại hình thì thừa cân, béo phì còn làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng tim, tăng huyết áp, suy tim và thận chí là đột quỵ.
Gây bất ngờ nhất là nhóm nguyên nhân tinh thần, cụ thể như tình trạng căng thẳng kéo dài, áp lực, dễ nổi giận, sống khép kín… thường gặp ở nhóm người trẻ làm trong ngành truyền thông, quảng cáo, tài chính, kỹ thuật… Những biểu hiện tinh thần này nếu kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ.
Giảm tải cho tim không khó
Dù bạn ở độ tuổi nào cũng đừng chủ quan, lơ là sức khỏe tim mạch của mình. Hiểu được các nguyên nhan chủ quan thường gặp, bạn trẻ có thể chủ động phòng tránh để góp phần “giảm tải” cho tim.
Cụ thể, dù bạn làm việc văn phòng 8 tiếng mỗi ngày hay làm việc tự do, cũng nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động. Sau giờ làm, bạn trẻ có thể tập luyện ở các phòng gym, yoga, zumba… Trong giờ làm việc, bạn trẻ có thể tranh thủ đi bộ thay vì chờ thang máy nếu ở tầng không quá cao, không ngồi ở một tư thế quá lâu, làm một vài động tác thư giãn tại chỗ…
Tham gia các câu lạc bộ thể thao và duy trì một chế độ luyện tập khoa học không dễ dàng nhưng nếu kiên trì sẽ giảm áp lực cho tim. Bởi vì theo TS.BS Phạm Trần Linh, vận động thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đồng thời nâng cao khả năng sống sót khi bị nhồi máu cơ tim.
Kế tiếp, bạn trẻ cũng nên chuyển sang chế độ dinh dưỡng có lợi cho tim. Thay vì lựa chon đồ ăn nhanh bạn có thể nấu ăn tại nhà, ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, trái cây…), song song đó lựa chọn các nguyên liệu nấu nướng giàu dưỡng chất tốt cho tim. PGS.TS. Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia tư vấn: “Chất béo có lợi cho tim chứa các axit béo cần thiết mà cơ thể không tổng hợp được như omega-3, omega-6 thường có trong các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi...) hay các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu hạt cải, nhất là dầu gạo lứt được biết đến với dưỡng chất Gamma-Oryzanol có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, để tránh rơi vào tình trạng áp lực vì deadlines, bạn trẻ nên học cách quản lý thời gian, công việc sao cho hợp lý. Thực hành viết ra những điều khó chịu trong lòng để tránh bộc phát cơn giận cũng như tăng cường giao tiếp, trao đổi với đồng nghiệp trong công việc… cũng là một vài gợi ý để giúp bạn trẻ giảm áp lực tinh thần.
Một cỗ máy hoạt động quá công suất, bị hỏng hóc còn có thể sửa chữa và thay thế nhưng trái tim quý giá của con người khi quá tải và làm việc vượt sức chịu đựng dẫn đến tổn thương, bào mòn lại không thể thay thế được nữa. Trái tim tuy nhỏ bé nhưng là bộ phận hoạt động không ngừng nghỉ để nuôi sống cơ thể. Do đó, nếu bạn là một người trẻ có lối sống hiện đại có nguy cơ bị tim quá tải, hãy chú ý các dấu hiệu “cầu cứu” của tim và đừng quên “giảm tải” cho tim bằng một lối sống lành mạnh, có dinh dưỡng hợp lý và luôn nâng cao sức khỏe tinh thần để tim không phải lên tiếng vì bị “quá tải”.