Cả trăm người đến bệnh viện khám mỗi ngày vì kiến ba khoang Cả trăm người đến bệnh viện khám mỗi ngày vì kiến ba khoang , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMO) - Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng mạnh. Thậm chí, có những trường hợp bị tổn thương nặng ở vùng da, bội nhiễm do tự điều trị bằng những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng.
Độc tố trong kiến mạnh gấp 12 - 15 lần nọc rắn
Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, trong 2 tuần gần đây, lượng bệnh nhân đến khám do kiến ba khoang tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận và khám cho hơn 100 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Đa phần bệnh nhân đến khám sau 3-4 ngày xuất hiện các vệt đỏ đầu tiên sau khi tiếp xúc với độc tố của kiến. Thậm chí, có những gia đình có 2-3 người cùng bị kiến ba khoang "tấn công", gây tổn thương nặng.
Điển hình là trường hợp của hai bố con ở Hà Nội, ban đầu, họ chỉ thấy có vệt đỏ khu vực mắt gây vướng, rát mắt. Vì không nghĩ do kiến ba khoang gây ra nên khi thấy ngứa, hai bố con đều lấy tay quệt, gãi, dụi và tự mua kem acyclovir bôi nên tổn thương càng nặng. Khi đến bệnh viện, hai bố con đều trong tình trạng đau rát, khó chịu, không mở được mắt do mắt sưng nề, đỏ, má có một số mụn mủ tạo thành dải, vệt...
Tương tự, một bệnh nhân nam (35 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau khi thấy ở cổ và cằm có những nốt chấm đỏ, tưởng mình bị zona thần kinh (dân gian gọi là bệnh "giời leo"). Vợ của bệnh nhân đã lên mạng "Google" tìm thấy hướng dẫn cách chữa nên nhai 7 hạt gạo nếp và đỗ xanh đắp vào vùng tổn thương của chồng. Thế nhưng, cách chữa này đã khiến tổn thương ở cổ của bệnh nhân lan rộng và đau rát, bội nhiễm.
Bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, những trường hợp viêm da nặng, tổn thương lan nhanh sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang đều do chà xát, làm độc tố của kiến lan ra. Bệnh nhân cần điều trị kết hợp kháng sinh, kháng histamin giảm đau, ngứa, bội nhiễm và phải mất từ 5-7 ngày, tình trạng bệnh mới ổn định.
Đề cập đến độc tố của kiến ba khoang, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, kiến ba khoang có độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da, có thể nhầm với tổn thương trong bệnh zona thần kinh.
"Vết thương do độc chất kiến ba khoang thành vệt dài hoặc thành đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ. Nếu không giữ gìn cẩn thận, vết thương có thể bị loét, làm rỉ dịch. Vết thương thường đau rát, ngứa ngáy. Một số trường hợp có thể sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân", bác sĩ Lê Ngọc Duy lưu ý.