(Ảnh minh họa - Internet)
|
- Đưa ra mục tiêu cụ thể
Bạn hãy đưa ra một con số cụ thể về số sách mình muốn đọc theo tuần, tháng năm. Bạn cũng nên chuẩn bị một cuốn lịch để đánh dấu xem mình mất bao nhiêu lâu để hoàn thành một cuốn sách. Có “chỉ tiêu”, bạn sẽ hoàn thành một cách có động lực hơn. Và nếu chỉ tự mình loanh quanh với mục tiêu hẳn sẽ rất nhanh nản chí, bạn hãy tìm một người bạn cũng đam mê sách, cùng đưa ra mục tiêu đọc rồi cùng trao đổi nội dung với nhau.
- Đọc những gì bạn thích
Để giữ được lòng nhiệt huyết, bạn hãy để những cuốn sách có chủ đề yêu thích ở xung quanh chỗ bạn ngồi. Không phải tự nhiên mà các loại sách được xếp loại vào các mục riêng như: Truyện trinh thám, truyện cổ tích, phiêu lưu mạo hiểm, kỹ năng mềm, khởi nghiệp… Mặc dù đọc theo nhiều chủ đề sẽ làm đa dạng vốn kiến thức của bạn, nhưng đảm bảo bạn sẽ ưu ái những cuốn mình quan tâm hơn.
- Cùng lúc đọc hai cuốn trở lên
Bạn không nhất thiết phải đọc hết một cuốn sách rồi mới chuyển sang cuốn khác. Ví dụ bạn đang đọc sách dạy kỹ năng mềm (cách giao tiếp, đi đứng, tư duy…), bạn hoàn toàn có thể đọc song song với một cuốn truyện trinh thám. Không phải lúc nào bạn cũng có kiên nhẫn để đọc hết cả trăm trang sách về một chủ đề (khoa học chẳng hạn), vậy nên khi bộ não của bạn mong muốn sự mới mẻ, hãy mang đến cho nó sự mới mẻ.
- Đặt điện thoại xuống, nhấc sách lên
Bất cứ khi nào rảnh rỗi và bàn tay bạn với lấy điện thoại để lướt đọc tin tức, hãy thay thế bằng một cuốn sách. Nếu điều đó là không đủ, hãy đặt một lịch trình trên điện thoại, chuông reo cũng là lúc bạn phải đọc sách. Khi đã nhấc sách lên, bạn hãy úp điện thoại xuống, tắt nguồn, lý tưởng nhất là để sang phòng bên. Hãy nhớ rằng điện thoại sẽ đánh lạc hướng bạn, vì vậy nếu muốn đọc nhiều sách hơn, điện thoại cần phải được cất đi.
- Lên lịch đọc cố định
Hình thành thói quen đọc ở một giờ cố định chắc chắn sẽ làm tăng tiến độ của bạn. Có những người đọc vào buổi sáng thấy dễ thấm hơn, cũng có những người đọc tối muộn lại thấy tỉnh táo. Tùy vào lịch sinh hoạt của bạn. Nhưng cách này cũng rất dễ làm bạn cảm thấy mệt mỏi. Vậy nên tốt nhất là bạn hãy chọn sách hợp với sở thích, cá tính, sự tìm tòi của mình. Khi đã bị cuốn vào nội dung hấp dẫn, bạn không cần cố ép bản thân phải đọc nữa.
- Nếu chán đọc, hãy chuyển sang “nghe” sách
Với người thích đọc, không gì hấp dẫn bằng cảm giác lướt ngón tay lên các trang sách mượt mà. Nhưng vì mục tiêu đọc thật nhiều sách, bạn có thể sử dụng “nghe”. Không có cảm giác tự lật giở giấy nhưng kiến thức bạn nhận được là tương đương. Kết hợp nghe với đọc cũng làm giảm áp lực lên mắt của bạn.
- Đọc bất cứ lúc nào rảnh
Có rất nhiều khoảng thời gian trống từ 10 đến 20 phút trong ngày mà bạn có thể tranh thủ đọc hoặc nghe audiobook. Bạn có thể nghe khi dọn dẹp nhà bếp buổi tối, khi đang gấp đồ giặt, khi đi xe buýt, đi máy bay hoặc phương tiện công cộng khác. Bạn nên mang theo một cuốn sách bên mình để không bao giờ bị lãng phí thời gian trên điện thoại khi có thể đọc.
- Chủ động ‘săn lùng’ sách
Có một cách giúp bạn có động lực đọc thêm sách là tham gia vào các hội nhóm chuyên review sách. Ở nơi tập hợp những người chung sở thích, lại cùng giới thiệu nội dung hay, chắc chắn bạn sẽ thấy phấn khích với cảm giác biết thêm một cuốn sách mới. Hoặc hàng tháng hãy dành ra một ngày để đi hiệu sách. Cảm giác được đi dạo thư thái giữa không gian yên tĩnh của nhà sách sẽ khiến bạn vui vẻ tìm mua một vài cuốn mới về đọc.
(Theo https://trithucvn.net)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/song-dep-song-khoe/lam-the-nao-de-chung-ta-co-the-doc-duoc-nhieu-sach-hon-20190807153139244.htm