Chế độ ăn nhiều rau xanh cũng là biện pháp phòng bệnh ung thư. (Ảnh minh họa)
Ung thư hiện đang là căn bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ người mắc và tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Điều đáng nói trong những năm gần đây số lượng người mắc mới và tử vong không ngừng gia tăng.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam từ 68.000 ca năm 2000, tăng lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.
Trước tình trạng trên, GS Trần Văn Thuấn - GĐ Bệnh viện K Trung ương - đánh giá: "Nhiệm vụ chống bệnh ung thư của Việt Nam đang rất nặng nề". Tại Việt Nam hiện nay, ung thư gan đang dẫn đầu loại bệnh ung thư thường gặp ở nam giới, kế tiếp là phổi, dạ dày, đại trực tràng.
Ở nữ giới ung thư thường gặp lần lượt là vú, dạ dày, phổi. Phần lớn bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết người bệnh ung thư ở Việt Nam khám và điều trị ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống thấp.
Theo GS Thuấn, một số yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh ung thư nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta như yếu tố di truyền và môi trường. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy khoảng 70% nguy cơ ung thư trong suốt cuộc đời con người là có thể phòng tránh được, trong đó có chế độ ăn uống..
“Ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, giữ cân nặng vừa phải và tập thể dục thường xuyên là những lối sống tuyệt vời để ngăn ngừa ung thư. Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng tránh bệnh tật nhất là các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường ...”, GS Thuấn cho hay.
Theo lời khuyên của GS Thuấn, để phòng chống ung thư trong ăn uống hàng ngày, mọi người cần thực hiện theo các nguyên tắc sau:
1. Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt. Nên ăn sản phẩm càng tự nhiên càng tốt, ví dụ, ăn một quả táo chưa gọt vỏ sạch tốt hơn là uống nước táo.
2. Ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất xơ: rau, ngũ cốc nguyên hạt.
3. Nên ăn chất béo lành mạnh: như chất béo không no (cá hồi, dầu oliu, các loại hạt, bơ) và omega-3s; tránh các chất béo no như các sản phẩm chiên rán, hạn chế chất béo từ thịt đỏ và sữa.
4. Hạn chế đường và tinh bột.
5. Hạn chế thịt chế biến sẵn (thịt hộp, xúc xích) và thịt đỏ (bò, lợn).
6. Hạn chế chiên, xào, nướng ở nhiệt độ cao.
7. Không ăn thức ăn có dấu hiệu ôi, thiu, mốc.
8. Đồ ăn cho vào lò vi sóng nên sử dụng giấy sáp (waxed paper), không nên dùng ni lông để bọc thức ăn.
9. Hạn chế rượu, bia.
Ngoài các nguyên tắc trong ăn uống như trên, GS Thuấn cũng cho rằng tập luyện thể dục thể thao theo đúng lộ trình, đủ giờ và đủ cường độ là vô cùng cần thiết trong nâng cao sức khỏe, phòng bệnh tật nói chung và ung thư nói riêng. Một vấn đề nữa để phòng bệnh ung thư đó là tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B, bé gái nên tiêm vắc xin phòng ung thư HPV để ngừa ung thư cổ tử cung.
Đặc biệt, nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, từ đó giảm thiểu nguy cơ tử vong do bệnh ung thư gây nên. Đối với những trường hợp có các dấu hiệu dưới đây cần đi khám ngay lập tức:
- Viêm loét lâu liền;
- Ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ;
- Chậm tiêu, khó nuốt;
- Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu;
- Có khối u ở vú hay trên cơ thể;
- Hạch bạch huyết to không bình thường;
- Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo;;
- Ù tai, nhìn đôi;
- Gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân.
(Theo Khám phá)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/song-dep-song-khoe/9-nguyen-tac-trong-an-uong-de-phong-benh-ung-thu-20190705173325639.htm