Khi tắm, nữ bệnh nhân phát hiện có khối u ở vùng ngực, ấn vào thấy đau… đến viện khám người phụ nữ được bác sĩ thông báo đã bị ung thư.
Nữ bệnh nhân được bảo tồn tuyến vú sau khi phát hiện bệnh ung thư.
Các Bác sĩ Khoa Phẫu trị - Xạ trị (Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) vừa tiến hành phẫu thuật bảo tồn tuyến vú cho một nữ bệnh 36 tuổi (ở Đông Triều - Quảng Ninh), bị ung thư vú.
Theo của người bệnh, trước khi vào viện khoảng 10 ngày, khi đang tắm chị thấy tại ngực phải của mình có một khối u, khi ấn vào thấy tức và đau. Sau đó, người bệnh đã tới bệnh viện thăm khám.
Sau khi tiến hành siêu âm, chụp X - quang tuyến vú và một số xét nghiệm khác, các bác sĩ chẩn đoán nữ bệnh nhân bị ung thu vú phải T1N0M0 và chỉ định phẫu thuật bảo tồn tuyến vú phải, vét hạch nách phải.
Sau 1,5 tiếng, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho người bệnh. Mẫu bệnh phẩm được chuyển tới khoa Giải phẫu bệnh làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy đây là ung thư biểu mô tuyến vú thể ống xâm nhập độ II, các diện cắt không thấy tế bào ác tính, 10/10 hạch nách không thấy tế bào ác tính.
Các bác sĩ cho biết, với phương pháp truyền thống các trường hợp bệnh nhân mắc ung thư vú sẽ phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú, vét hạch nách. Nhưng với kĩ thuật hiện nay, người bệnh phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm sẽ được phẫu thuật bảo tồn tuyến vú. Đây là tín hiệu vui cho những bệnh nhân khi không may mắc bệnh.
Để phát hiện sớm căn bệnh ung thư vú, BS Quản Thị Mơ (Bệnh viện K Trung ương) cho biết, chị em có thể tự khám và đi khám khi thấy những bất thường.
Theo BS Mơ, đối với bệnh ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì cơ hội chữa khỏi lên tới 90%; phát hiện ở giai đoạn 2 thì cơ hội chữa khỏi bệnh là 80%; ở giai đoạn 3 là 60%. Còn nếu ở giai đoạn muộn thì chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ.
Khi tự kiểm tra để phát hiện những bất thường ở tuyến vú, chị em cần thực hiện theo 5 bước sau, theo hướng dẫn của BS Mơ:
Bước 1: Đầu tiên hãy đứng thẳng người, chống hai tay vào hông và nhìn vào ngực của mình trong gương. Sau đó kiểm tra kích thước, hình dạng và màu sắc bầu ngực xem có những chỗ sưng nào bất thường.
Sau đó tiếp tục kiểm tra xem có nếp nhăn hoặc phồng da trên ngực hay không, có núm vú tụt ngược vào trong hay có hiện tượng đau nhức, nổi mẩn hoặc sưng bất thường tại khu vực bầu ngực hay không.
Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào như trên thì nên đi khám để có những hướng kiểm tra và chẩn đoán chính xác hơn.
Bước 2: Nâng hai cánh tay của bạn lên cao và nhìn từ nhiều hướng khác nhau để kiểm tra xem ngực có sự thay đổi so với lần trước không.
Bước 3: Hãy kiểm tra xem có dịch rỉ ra từ núm vú hay không, bao gồm cả nước, sữa, dịch vàng và máu.
Bước 4: Nằm ngửa trên giường, kê 1 chiếc gối mỏng hay 1 chiếc chăn vào vai trái. Đưa tay trái ra sau gáy, dùng tay phải kiểm tra vú trái.
Tiếp đến, day tròn tay phải trên ngực trái để cảm nhận tất cả các mô từ phía trước đến phía sau ngực. Ấn nhẹ nhàng nhưng dứt khoát để tìm kiếm khối u hay mảng dày hoặc bất cứ khác thường nào.
Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ đầu vú xem có rỉ dịch hay không. Dùng ngón tay để tìm các u hạch dưới nách. Cứ tiếp tục kiểm tra các phần còn lại trên ngực và làm tương tự với phần ngực bên phải.
Bước 5: Cuối cùng, hãy kiểm tra ngực trong khi tắm bởi cách dễ nhất để cảm nhận rõ rệt về ngực là khi làn da của mình bị ướt. Bước này thực hiện tương tự như mô tả ở bước 4.
» Giãn tĩnh mạch: Biết nguy cơ gây bệnh để phòng ngừa hiệu quả
» Đừng coi thường bệnh trầm cảm nữa, người thân của bạn có thể tự sát bất cứ lúc nào