Thứ Hai ngày 04/06/2018
(HNM) - Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng trong thời gian qua, tại các bệnh viện vẫn có không ít trường hợp cấp cứu do biến chứng từ việc làm đẹp. Những lời quảng cáo “có cánh” như không cần phẫu thuật, không cần tốn thời gian và tiền bạc để có được làn da trắng mịn, chiếc mũi cao, đôi mắt to tròn như ý… của các cơ sở làm đẹp khiến chị em không ngần ngại tìm đến. Thế nhưng, đẹp chưa thấy đâu, chỉ thấy tiền mất, tật mang với kiểu làm đẹp "siêu tốc" này.
Làm đẹp "siêu tốc" - nhập viện "siêu nhanh"
Mới đây, chị Nguyễn Thị H (ở quận Đống Đa, Hà Nội) được người thân đưa đến Bệnh viện Bưu điện lúc nửa đêm trong tình trạng đau đầu, sốt cao, khó thở, tụt huyết áp, nôn liên tục, nổi mẩn đỏ toàn thân… Tại đây, theo các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân H. bị sốc phản vệ, rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khi vào viện, chị . còn nhớ cách đó không lâu mình được tiêm một số loại thuốc làm trắng da tại một thẩm mỹ viện. Ngay lập tức, chị H được chỉ định tiêm và truyền adrenalin theo đúng phác đồ điều trị, nhờ vậy, sức khỏe dần ổn định.
|
Bệnh nhân Nguyễn Thị H. (ở quận Đống Đa, Hà Nội) được điều trị tại Bệnh viện Bưu điện do sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc làm trắng da. |
Bác sĩ Dương Vương Trung, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bưu điện) cho biết, những trường hợp tương tự không hiếm gặp tại bệnh viện. Đa số phụ nữ thường tìm đến các cơ sở thẩm mỹ, spa để nâng mũi, “gọt” cằm, nâng ngực, kích trắng da… theo lời quảng cáo “thổi phồng” mà ít khi lựa chọn bệnh viện hoặc cơ sở được cấp phép. Thẩm mỹ viện “mọc lên như nấm”, tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại về sức khỏe, thậm chí đe dọa mạng sống bởi hầu hết các cơ sở này đều không có bác sĩ chuyên ngành cùng trang thiết bị, thuốc men cần thiết.
Không chỉ cung cấp dịch vụ làm trắng da, nhiều cơ sở làm đẹp còn quảng cáo phương pháp làm đẹp “siêu tốc” mà không cần đụng chạm dao kéo, giải phẫu, chỉ cần tiêm chất làm đầy (hay còn gọi là filler). Với mức giá “siêu rẻ”, cách làm đẹp này đang được tung hô là bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhanh gọn, không gây sưng, đau... Hiện nay, phương pháp này đang được áp dụng tại nhiều spa, thẩm mỹ viện, thậm chí là ở các cơ sở cung cấp dịch vụ phun xăm, gội đầu.
Tại đây, những “thợ tiêm” không qua trường lớp y tế sẵn sàng tiêm chất làm đầy khi khách có nhu cầu. Có những địa chỉ nhận tiêm filler nâng mũi với giá từ 2,5 triệu đến 5 triệu đồng tùy vào lượng filler cần dùng. Với một chiếc mũi không quá “tẹt” thì chỉ cần tiêm 1cc filler với giá 2 triệu đồng cộng thêm tiền công tiêm khoảng 500 nghìn đồng.
Vì thế, nhiều người “sập bẫy” giá rẻ, chuốc họa vào thân. Như chị Nguyễn Thanh H. (27 tuổi, ở Hưng Yên), người mong muốn sở hữu một chiếc mũi cao, thanh tú và đã đặt niềm tin vào một spa ở gần nhà mình. Chị H. đồng ý để nhân viên tại cơ sở này tiêm chất làm đầy vào vùng mũi. Ngày thứ 2 sau khi tiêm, mũi chị H. bắt đầu có hiện tượng sưng đỏ, dần chuyển sang bầm tím.
Đến ngày thứ 5, tình trạng tổn thương không được cải thiện mà tiến triển nặng hơn, có dấu hiệu hoại tử. Quá lo sợ, bệnh nhân lên Hà Nội thăm khám. Bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Hoàng Hà điều trị cho chị Nguyễn Thanh H. cho biết, bệnh nhân bị tiêm filler trúng tĩnh mạch nên bị tắc mạch máu, có thể dẫn đến hoại tử, khó giữ lại phần mũi nếu không được phát hiện kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thọ, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, ba bộ phận rất dễ bị biến chứng khi tiêm filler là mũi, cằm và ngực. Tai biến xảy ra thường là do người tiêm không có chuyên môn, tiêm nhầm vào mạch máu, dẫn đến tắc mạch, gây hoại tử… Thêm vào đó, nếu cơ sở thẩm mỹ không bảo đảm điều kiện vô trùng trong quá trình tiêm thì khách hàng dễ bị nhiễm trùng.
Đừng nhắm mắt làm liều!
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba), chất filler có giá khá đắt và bởi vậy, người làm đẹp phải chi khoảng 500 USD - 1.000 USD để có một chiếc mũi hoặc chiếc cằm như ý; nếu muốn nâng ngực thì phải bỏ ra khoảng 8.000 USD (gần 180 triệu đồng).
Tuy nhiên, trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm filler trôi nổi, là hàng nhái, hàng xách tay không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm này có giá rẻ nên được một số cơ sở làm đẹp không phép mua về tiêm cho khách hàng, nguy cơ biến chứng rất cao…
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái khuyến cáo, phụ nữ cần có kiến thức về chăm sóc sắc đẹp, không nên nhắm mắt làm liều, nghe theo lời quảng cáo một chiều của cơ sở làm đẹp. Ngoài ra, khi quyết định thực hiện các biện pháp làm đẹp, cần tìm hiểu kỹ về dịch vụ và sản phẩm mà mình lựa chọn. Trong quá trình thực hiện, nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, cấp cứu kịp thời.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, gần đây, nhiều spa, cơ sở chăm sóc da, phun xăm cũng “lấn sân” phẫu thuật thẩm mỹ khi nhận cắt mí mắt, tiêm filler, nâng mũi... Đó là hành vi bị cấm bởi theo quy định, cơ sở spa không được phép cung cấp dịch vụ y tế.
Việc tiêm, truyền chỉ được thực hiện tại các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu, bệnh viện có bác sĩ phụ trách chuyên môn. Việc sử dụng các sản phẩm liên quan phải do bác sĩ chỉ định, người thực hiện kỹ thuật phải có chứng chỉ hành nghề đúng phạm vi chuyên môn...
Thu Trang
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Lam-dep/903794/tien-mat-tat-mang-vi-lam-dep-sieu-toc
|