Thứ Hai ngày 25/12/2017
(HNM) - Kết quả của đợt đấu thầu tập trung quốc gia lần đầu tiên với 22 thuốc điều trị ung thư vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy, giá thuốc đã giảm tới 33%, giúp tiết kiệm 477 tỷ đồng. Dù có nhiều ưu điểm, nhất là khắc phục được tình trạng “loạn” giá thuốc trúng thầu nhưng với các nhà quản lý, bệnh viện, phương thức đấu thầu này chưa hẳn đã hết nỗi lo.
|
Sau đấu thầu tập trung, giá thuốc giảm nhưng còn nhiều bất cập. Ảnh: Linh Ngọc |
Còn những băn khoăn…
Thuốc hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi cho khám, chữa bệnh của bảo hiểm y tế (BHYT). Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tổng chi cho thuốc từ Quỹ BHYT năm 2015 là hơn 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3%. Năm 2016, con số này hơn 31.500 tỷ đồng, chiếm 41%. Tỷ lệ này cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế - xã hội.
Có thực tế này là do trước đây việc đấu thầu thuốc thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và cơ sở khám, chữa bệnh dẫn đến tình trạng “loạn” giá thuốc. Cùng một hoạt chất, loại thuốc, nhà sản xuất, cùng địa phương nhưng giá có thể khác nhau giữa các bệnh viện, một số mặt hàng có giá trúng thầu cao. Chính vì vậy, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn xóa đi sự chênh lệch giá thuốc giữa các vùng, các bệnh viện.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, đấu thầu tập trung đã khắc phục được một số bất cập của đấu thầu riêng lẻ. Đấu thầu tập trung cũng ghi nhận kết quả đáng mừng khi giá thuốc trúng thầu đã giảm so với giá kế hoạch, tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn khá nhiều vướng mắc, lo lắng. Kết quả đấu thầu tập trung đã tốt nhưng vấn đề còn lại là đưa vào thực tiễn khám, điều trị cho người bệnh thế nào.
Vướng mắc trước hết được ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề cập, đó là Thông tư 11/2016/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 11-5-2016 về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế không quy định các tỉnh, thành phố được thành lập trung tâm đấu thầu thuốc tập trung. Do đó, các địa phương phải giao cho một bệnh viện tổ chức đấu thầu khiến bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trong danh mục đấu thầu tập trung có một số hoạt chất ít được sử dụng hoặc sử dụng với số lượng nhỏ (chỉ vài trăm nghìn đồng), vì vậy, nhà thầu không ký hợp đồng hoặc không cung ứng.
Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ chế dự trữ thuốc dự phòng khi thuốc đấu thầu đợt cũ hết nhưng đợt đấu thầu mới chưa có sẽ gây khó khăn trong điều trị bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng quy định, việc đấu thầu thuốc phải trình UBND tỉnh, thành phố để phê duyệt, nhưng các thủ tục lại rất khó đáp ứng việc cung cấp nguồn thuốc kịp thời. Điều này dễ dẫn tới tình trạng thiếu một số loại thuốc, làm ảnh hưởng đến người bệnh.
“Sở Y tế Hà Nội kiến nghị xem xét tổ chức hai cấp độ đấu thầu. Cụ thể, Bộ Y tế đấu thầu tập trung toàn bộ thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Còn ở cấp địa phương, các cơ sở y tế tự đấu thầu những mặt hàng còn lại”, ông Trần Văn Chung nói.
Về vấn đề này, ông Vũ Đình Tiến, Trưởng khoa Dược (Bệnh viện K trung ương) đặt câu hỏi, hiện mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi nên thường xuyên phát sinh thuốc ngoài kết quả đấu thầu. Khi thuốc trong kế hoạch đấu thầu tập trung sử dụng hết nhưng lại không điều chuyển được giữa các cơ sở y tế thì bệnh viện sẽ mua bổ sung bằng cách nào? Mặt khác, thời gian từ khi lập kế hoạch đấu thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu kéo dài, khi bệnh viện có sự thay đổi về số lượng bệnh nhân và nhu cầu sử dụng thuốc thì thuốc được lấy từ nguồn nào để đáp ứng?
Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng quan trọng phục vụ khám, chữa bệnh. Nhiệm vụ của Bộ Y tế, các bệnh viện là cung ứng đủ thuốc, không vì mua sắm tập trung mà ảnh hưởng đến việc điều trị cho người bệnh. Vì vậy, sau việc hoàn tất công tác đấu thầu, nhiệm vụ tiếp theo của cơ quan chức năng là theo dõi chất lượng thuốc, số lượng thuốc, kịp thời có điều chỉnh phù hợp, không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.
Sắp tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai quy định đàm phán giá với các thuốc độc quyền, đấu thầu tập trung quốc gia trên 20 thuốc kháng sinh có số lượng sử dụng lớn. Trước những vướng mắc được đưa ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia phân quyền tối đa cho các sở y tế địa phương để tự liên lạc với nhau trong việc điều chuyển thuốc, mở rộng danh mục và áp dụng hình thức đàm phán giá đặc biệt đối với gói thầu thuốc biệt dược gốc.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện sẽ có những quy định chặt chẽ như bắt buộc doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm cung ứng đủ thuốc trúng thầu, chia nhỏ hơn nữa các gói thầu để tránh tình trạng thuốc giá rẻ, chất lượng không tốt nhưng vẫn trúng thầu…
Việc đấu thầu thuốc theo hình thức tập trung cấp quốc gia hướng tới mục tiêu lựa chọn ra các sản phẩm thuốc có chất lượng tốt, giá tốt, tiết kiệm chi ngân sách, giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục. Tất cả yếu tố này giúp người bệnh được hưởng lợi thông qua việc giảm tiền thuốc, góp phần quan trọng vào việc giảm giá gói chữa bệnh, bởi hiện tiền thuốc đang chiếm tỷ trọng cao. Quỹ BHYT cũng giảm bớt nguồn tài chính cho chi phí thuốc để quan tâm tới các chi phí khác hiện đang thiếu nguồn.
Thu Trang
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/886462/gia-thuoc-giam-van-chua-het-lo
|