Thứ Hai ngày 30/10/2017
(HNM) - Thời tiết giao mùa như hiện nay là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Ngoài bệnh nhân sốt xuất huyết, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội thời gian qua ghi nhận số bệnh nhi đến khám vì các bệnh như sởi, tay chân miệng, ho gà, viêm đường hô hấp… tăng lên. Các bệnh viện đã lên phương án phòng tránh lây nhiễm chéo nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
|
Trẻ em được điều trị tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai. |
Cảnh giác với bệnh sởi, tay chân miệng
Những ngày qua, số trẻ đến khám tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) tăng gấp đôi so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 400-500 trẻ vào khám với các bệnh lý chủ yếu liên quan đến đường hô hấp. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi cho biết, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng hằng năm, số trẻ đến khám và điều trị các bệnh về hô hấp tăng cao khi giao mùa. Đây là thời điểm dễ nhiễm bệnh nhất bởi mỗi sự thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ, môi trường đều ảnh hưởng trực tiếp tới hệ hô hấp.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi trung ương, khoảng nửa tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tăng 1,5 lần so với trước, liên tục duy trì khoảng 3.000 bệnh nhi/ngày. Đa số bệnh nhi nhập viện mắc các bệnh về đường hô hấp, sốt, viêm phổi, tiêu chảy, sốt xuất huyết…, trong đó, phổ biến nhất là nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi. Điểm đáng lưu ý là số ca mắc tay chân miệng có sự gia tăng. Nếu như trong năm 2016, bệnh viện tiếp nhận 390 ca tay chân miệng thì năm nay, tới thời điểm này, dù chưa vào mùa dịch nhưng bệnh viện đã tiếp nhận gần 200 ca bệnh, trong đó có nhiều ca nặng, phải điều trị nội trú dài ngày.
Cũng với bệnh tay chân miệng, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận khoảng 10-15 bệnh nhi vào khám, số ca mắc tăng đáng kể so với tháng trước. Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 3 tuần qua, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng; trung bình mỗi tuần trên địa bàn thành phố ghi nhận khoảng 60-80 ca bệnh. Trong khi đó, vào tháng 8 và tháng 9-2017, trung bình mỗi tuần toàn thành phố chỉ ghi nhận 10-30 trường hợp mắc.
“Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã rà soát, chuẩn bị hóa chất, máy móc để tập trung khử trùng tại các trường mầm non, mẫu giáo vì chủ yếu người mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi. Việc làm này được thực hiện song song với hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác” - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm nói.
Không chỉ bệnh tay chân miệng, năm nay, bệnh sởi cũng đến sớm hơn và có xu hướng tăng trong vài tuần gần đây. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 32 ca bệnh sởi tại 15 quận, huyện, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã điều trị cho 15 ca, hầu hết là người chưa được tiêm phòng.
Ông Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh sởi do vi rút gây ra, thường gặp vào mùa đông xuân và là bệnh truyền nhiễm gây dịch. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ liều. Bệnh dễ lây lan ở những nơi đông người. Vì vậy, công tác chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế là rất quan trọng.
Sẵn sàng về nhân lực, vật lực
Trước nguy cơ nhiều dịch bệnh bùng phát, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc, dịch truyền để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ điều trị cho người bệnh. Do bệnh sởi năm nay xuất hiện sớm nên để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch như năm 2014, các cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức phân luồng bệnh nhân nghi mắc sởi ngay từ khu vực phòng khám, đồng thời bố trí khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly điều trị sởi để tránh lây nhiễm chéo.
Bác sĩ Nguyễn Thiện Thuật, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) khuyến cáo, biến chứng của bệnh sởi có thể là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí là viêm não. Người nhà bệnh nhân dễ nhầm bệnh sởi với sốt phát ban nên đưa con em mình đến bệnh viện muộn. Để tránh hậu quả đáng tiếc, khi bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban thì cần sớm cách ly và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không nên đưa người bệnh vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Để phòng bệnh hiệu quả, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, mọi nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống các dịch bệnh lúc giao mùa là không đủ nếu thiếu sự tham gia tích cực của người dân. Vì vậy, mỗi người cần thực hiện đầy đủ những khuyến cáo mà ngành Y tế đưa ra.
Cụ thể là thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, ăn chín, uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Người dân cần lựa chọn các loại thực phẩm bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Riêng với bệnh sởi, các bà mẹ cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố.
Thu Trang
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/881499/de-phong-dich-benh-luc-giao-mua
|