Thứ Hai ngày 16/10/2017
(HNM) - Mới đây, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường) ở nước ta vào hàng cao trên thế giới, chiếm khoảng 5,4% dân số. Hơn 50% số bệnh nhân tiểu đường không nhận thức được tình trạng bệnh của mình và hơn 50% bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị có biến chứng về tim mạch, suy thận, tổn thương mắt…
|
Thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ. |
Theo Tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, các công trình nghiên cứu về dịch tễ học trong 30 năm qua cho thấy, bệnh tiểu đường có yếu tố nội tại trong gen, nhưng nếu chúng không được “nhúng” vào trong môi trường thích hợp thì gen này sẽ bị “khóa”. Môi trường thích hợp cho bệnh tiểu đường phát triển chính là lối sống ít vận động, thói quen ăn uống thay đổi, nạp quá nhiều dinh dưỡng khiến cơ thể lâm vào tình trạng thừa cân, béo phì.
Đáng chú ý, trước đây, bệnh nhân mắc tiểu đường thường ở tuổi sau 40. Hiện nay, đã phát hiện cả trẻ 5-8 tuổi mắc bệnh, đặc biệt là trẻ ở các thành phố lớn khi cha mẹ có xu hướng quan tâm tới việc học nhiều hơn, ít để ý tới lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cuộc sống bận rộn, nhiều người thường xuyên mua thức ăn nhanh, thức ăn nhiều năng lượng như xôi, bánh ngọt, các loại thịt rán, nước ngọt... cho trẻ, chỉ đến khi thấy trẻ "có vấn đề" mới đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Khi đó, nhiều bé đã mắc bệnh tiểu đường...
Qua quá trình thăm khám và điều trị cho trẻ, Tiến sĩ Phan Hướng Dương chia sẻ, khi mắc bệnh, trẻ chưa có ý thức tự chăm sóc bản thân nên rất cần sự quan tâm, hợp tác của cha mẹ trong việc điều trị. Nếu cha mẹ không tích cực thay đổi lối sống, cân bằng dinh dưỡng và tập luyện cho trẻ thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Để không vô tình gây bệnh cho trẻ, bố mẹ nên tạo cho con lối sống lành mạnh, ăn - ngủ đúng giờ, tập luyện và hạn chế thực phẩm giàu năng lượng, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo như: Tôm, cua, lươn, chim, cá… Các loại rau muống, mồng tơi, rau cải, rau ngót, mướp đều phù hợp với trẻ bị tiểu đường; phải loại bỏ nước ngọt có gas, tránh các loại hoa quả ngọt như na, nhãn, vải, xoài, nho, mít… trong thực đơn của trẻ.
Sa Chi
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/880518/nguy-co-mac-benh-dai-thao-duong-o-tre-nho
|