Chiều 13/1, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết: Nguy cơ cúm A(H7N9) xâm nhập vào nước ta là rất lớn do tình hình dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp và một số tỉnh có ổ dịch cũ tiếp tục có những ca bệnh mới.
Ảnh minh họa.
Dịch không chỉ xảy ra ở nội địa Trung Quốc mà xuất hiện thêm những ca bệnh ở Hồng Kông, Đài Loan do đi từ các ổ dịch ở Trung Quốc về.
Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, dịch cúm A(H7N9) xuất hiện ở một số tỉnh của Trung Quốc gần với Việt Nam, cụ thể là tỉnh Quảng Đông với 7 trường hợp mắc. Đây là địa bàn có số người Việt Nam đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa lớn. Trong khi đó, vi rút cúm A(H7N9) lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm. Hiện đã có bằng chứng rõ ràng về việc giảm số ca mắc ở người sau khi đóng cửa các chợ bán gia cầm sống ở Trung Quốc. Việc phát hiện vi rút cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm là rất khó, chủ yếu phát hiện từ mẫu bệnh phẩm được lấy từ môi trường tại các chợ buôn bán gia cầm sống. Thời điểm hiện nay tại Trung Quốc cũng như Việt Nam đang là mùa Đông- Xuân thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của vi rút cúm A(H7N9).
Đồng thời, việc giao lưu đi lại giữa 2 nước là rất lớn nên có thể có những trường hợp người Việt Nam bị mắc cúm A(H7N9) khi đi du lịch, buôn bán tại Trung Quốc. Trong khi đó, việc buôn bán vận chuyển gia cầm giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa được kiểm soát tốt và có xu hướng tăng trong dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ…
Trước tình trạng này, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động phòng, chống bệnh cúm A(H7N9) theo 4 tình huống dịch bệnh để đáp ứng phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm; thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A(H7N9); tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên người và gia cầm. Đồng thời tổ chức mạng lưới thu dung, điều trị, cách ly các trường hợp nghi ngờ và khi có bệnh nhân; duy trì, củng cố các đơn vị huấn luyện lâm sàng điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi tại các bệnh viện tuyến Trung ương…
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình dịch trên thế giới và các biện pháp phòng chống; tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, bệnh nhân viêm phổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng; khi có nghi ngờ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ xét nghiệm, chẩn đoán. Đồng thời, tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ca bệnh; chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh đi từ vùng có dịch vào Việt Nam; sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có bểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm…
Tính đến ngày 13/1/2014, thế giới ghi nhận 168 trường hợp mắc cúm A(H7N9); trong đó Trung Quốc có 164 trường hợp mắc tại 12 tỉnh, thành phố và có 51 trường hợp tử vong do cúm A(H7N9). Số trường hợp mắc bệnh có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam của Trung Quốc, gần biên giới với Việt Nam.
Minh Hải / VnMedia