Chen chân mua thuốc chữa bệnh.
Theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) đồng tình với Ban soạn thảo khi quy định song hành 2 cơ chế đấu thầu và đàm phán giá đối với việc mua thuốc của các cơ sở y tế. Bởi theo đại biểu, đây là lộ trình tất yếu khi thực hiện giá thuốc theo lộ trình giá thị trường.
Tuy nhiên, “quy trình đấu thầu dập khuôn được quy định trong dự thảo luật và quá trình đàm phán giá không hiệu quả trong thực tế có thể dẫn đến hệ lụy đại bộ phận dân cư, người có thu nhập thấp có nguy cơ không bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản một cách thuận lợi nhất. Vì sự khác nhau trong quá trình thực hiện đấu thầu và đàm phán giá mua thuốc tại các cơ sở y tế khác nhau”.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo luật “hết sức thận trọng trong việc dùng cơ chế của thị trường để điều tiết một trong những chức năng cơ bản nhất của nhà nước đó là cung cấp dịch vụ công và cụ thể là dịch vụ y tế. Tôi đề nghị liên quan đến nội dung này cần có những quy định cụ thể hơn”.
Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) thì với việc bổ sung quy định về đấu thầu thuốc, “ hy vọng từ nay không có bộ, ngành nào còn đổ lỗi cho việc mua thuốc chữa bệnh nhưng người mua phải tuân theo các quy định như mua xi măng, sắt thép và cũng không mất cán bộ do sai sót đấu thầu thuốc như thời gian vừa qua ở một số tỉnh”.
Dù vậy, đại biểu Tiên cũng bày tỏ lo ngại: “Quy định như dự thảo liệu có hiệu quả để giá thuốc đã qua đấu thầu không còn bị kêu ca, phàn nàn, chúng tôi thấy vẫn cần có thực tế để kiểm nghiệm”. Đại biểu cho rằng, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chưa có đánh giá tác động về các quy định mới về đấu thầu thuốc.
Còn về việc triển khai hai nguyên tắc mới là đàm phán giá và đấu thầu tập trung, đại biểu cho rằng: Tương lai triển khai 2 biện pháp này “rất mù mịt” do luật chưa quy định lộ trình hay quy định số lượng, chủng loại cần phải đấu thầu.
Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình cao với việc có thêm hình thức đàm phán giá cho việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Nhưng đại biểu lưu ý cần có quy định về trường hợp đặc thù trong dự thảo để tránh tạo kẽ hở và lúng túng khi đấu thầu nếu như thông tư hướng dẫn không làm rõ.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bỏ cấp khu vực, chỉ giữ lại cấp trung ương và địa phương trong quy định việc mua thuốc tập trung. Theo lập luận của đại biểu, nếu mua thuốc tập trung ở cấp trung ương và địa phương như trong dự thảo luật và nghị định hướng dẫn thi hành luật thì sẽ được hiểu là đơn vị mua sắm tập trung thuộc bộ sẽ mua thuốc cho các cơ sở y tế thuộc bộ. Đơn vị mua sắm tập trung thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc tỉnh, như vậy sẽ xảy ra việc cùng một mặt hàng thuốc trên cùng một địa bàn nhưng các cơ sở y tế thuộc trung ương, thuộc bộ và thuộc địa phương sẽ có giá thuốc khác nhau.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần xác định rõ mục tiêu của việc mua thuốc tập trung, ví dụ thuốc phải có chất lượng tốt, giá hợp lý, thống nhất giá, cung ứng tốt, từ đó quy định chi tiết thành phần thành lập hoạt động của đơn vị mua sắm tập trung thuốc cho cấp quốc gia, cấp địa phương và các cơ sở y tế.
Và theo như ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) thì, lựa chọn thầu khi xét duyệt trúng thầu chúng ta đang quan tâm quá nhiều vấn đề về giá, dẫn đến việc nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu với giá rẻ. Thực trạng này không những không khuyến khích được các nhà thầu trong nước, mà còn còn dẫn đến việc đưa công nghệ lạc hậu vào.
“Trong những năm vừa rồi có những công nghệ, thiết bị chúng ta nhập về rất lạc hậu và từ đó dẫn đến một cái giá thành rất cao cho giá trị sản phẩm của chúng ta làm ra. Tôi cho rằng đó là một thiệt hại không nhỏ để khi chúng ta cạnh tranh sản phẩm của chúng ta đối với các nước trong khu vực cũng như ngay tại bản thân trong nước chúng ta. Hơn nữa tôi cho đây là một nguồn rất lãng phí về lao động và nguồn đầu tư vốn của xã hội”, đại biểu Bảo nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền